Những ý kiến tâm huyết của cử tri gởi Quốc hội

Cập nhật, 17:15, Thứ Hai, 22/10/2018 (GMT+7)

Từ sau kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổng hợp được 3.480 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Quốc hội. Các ý kiến, kiến nghị này liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.  

Cử tri đề nghị cần xử lý nghiêm các hành vi “nhũng nhiễu”, “vòi vĩnh” khi giải quyết công việc với người dân, doanh nghiệp (Ảnh: XUÂN TƯƠI)
Cử tri đề nghị cần xử lý nghiêm các hành vi “nhũng nhiễu”, “vòi vĩnh” khi giải quyết công việc với người dân, doanh nghiệp (Ảnh: XUÂN TƯƠI)

* Có giải pháp đẩy mạnh việc kết nối 5 nhà

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, cử tri và nhân dân đánh giá cao việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã được triển khai đúng hướng, sản xuất nông nghiệp mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012 đến nay.

Cử tri và nhân dân tiếp tục đề nghị Bộ Nông nghiệp- PTNT, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương tiếp tục có giải pháp đẩy mạnh việc kết nối 5 nhà (nhà nông- nhà doanh nghiệp- nhà nước- nhà khoa học và ngân hàng), nâng cao vai trò và chất lượng hoạt động của các hợp tác xã trong chuỗi liên kết, tiếp tục khơi thông nguồn vốn phục vụ sản xuất, có giải pháp để mở rộng thị trường trong nước và nước ngoài… 

Thời gian qua, đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện, công tác xóa đói, giảm nghèo đạt nhiều kết quả tích cực, số hộ nghèo tiếp tục được kéo giảm…

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân phản ánh kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ tái nghèo còn cao, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc.

Hiện nay, năng lực ứng phó biến đổi khí hậu còn hạn chế, tình trạng sạt lở bờ sông, ven biển vẫn diễn ra nghiêm trọng, nhất là ở ĐBSCL; tình trạng ngập úng ở một số thành phố lớn chậm được cải thiện.

Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương tiếp tục có các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng; chủ động các phương án thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường năng lực và kịp thời cảnh báo, phòng chống bão, lũ, sạt, lở, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, sớm ổn định cuộc sống.  

Trong lĩnh vực giáo dục, cử tri và nhân dân ghi nhận nỗ lực của ngành giáo dục và đào tạo trong việc tổ chức triển khai chủ trương cải cách, đổi mới toàn diện giáo dục.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân phản ánh việc triển khai áp dụng chương trình Tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục đã gần 40 năm qua nhưng chưa có đánh giá đầy đủ và toàn diện. Việc xuất bản, phát hành sách giáo khoa còn nhiều bất cập, tình trạng thiếu sách giáo khoa đầu năm học và phần lớn sách giáo khoa chỉ sử dụng một lần gây lãng phí lớn cho xã hội.

Đề nghị Bộ Giáo dục- Đào tạo có báo cáo tổng thể và công khai các vấn đề liên quan đến sách giáo khoa, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc xuất bản sách giáo khoa, bảo đảm chất lượng, tiết kiệm, tránh tình trạng “độc quyền”.  

* Cần thống nhất trong sắp xếp tổ chức bộ máy

Cử tri và nhân dân rất quan tâm và hoan nghênh việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị theo hướng đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân cho rằng, việc sắp xếp lại bộ máy ở một số nơi vẫn còn thiếu đồng bộ, việc tinh giản biên chế chưa gắn với cơ cấu lại tổ chức bộ máy, một số nơi còn sai phạm trong bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức.

Đề nghị các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí người thực sự có đức, có tài vào các vị trí lãnh đạo trong bộ máy.  

Cử tri và nhân dân tiếp tục thể hiện sự tin tưởng vào quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn bức xúc về nạn “tham nhũng vặt”, nhiều doanh nghiệp và người dân vẫn phải chi những khoản ngoài quy định khi thực hiện các thủ tục hành chính và chưa hài lòng khi những biểu hiện tiêu cực này chủ yếu được phát hiện thông qua phản ánh, tố giác của người dân hoặc qua báo chí mà rất ít được phát hiện thông qua đấu tranh nội bộ, tự phê bình và phê bình của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức.

Đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, coi trọng các giải pháp phòng ngừa, tăng cường phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi “nhũng nhiễu”, “vòi vĩnh” khi giải quyết công việc với người dân, doanh nghiệp và đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát.

Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, các địa phương thực hiện nghiêm Luật phòng, chống tham nhũng (sau khi được Quốc hội thông qua), kịp thời có văn bản hướng dẫn thực hiện, nhất là với các quy định về trách nhiệm của người đứng đầu, về công khai, minh bạch tài sản, thu nhập và thu hồi tài sản tham nhũng.

 

Tại kỳ họp này, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị 6 vấn đề. Thứ nhất, đề nghị Đảng và Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các vấn đề xã hội quan tâm để tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân. Thứ hai, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Thứ ba, đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, chính quyền các địa phương tăng cường công tác quản lý đất đai. Thứ tư, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục- Đào tạo, các bộ, ngành có liên quan và chính quyền các địa phương tiếp tục xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực trong tổ chức thi và chấm thi; xây dựng, ban hành chương trình sách giáo khoa mới đảm bảo chất lượng, đồng bộ và đầy đủ. Thứ năm, đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm đến chất lượng xây dựng pháp luật, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, bảo đảm đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật. Thứ sáu, đề nghị các cơ quan, tổ chức Đảng và Nhà nước, chính quyền các cấp tiếp tục đề cao trách nhiệm trong sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả


TÂM- HUỲNH