Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng: Một dự luật cần thiết và vì lợi ích quốc gia

Cập nhật, 11:11, Thứ Tư, 13/06/2018 (GMT+7)

 

Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng. Ảnh: A.C
Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng. Ảnh: A.C

Ngày 12/6, với 423 phiếu đồng ý tương đương với tỉ lệ 86,86%, Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng với 7 chương, 43 điều. Trước những lo ngại về khả năng các đại gia công nghệ như Facebook, Google có thể rút khỏi Việt Nam, các đại biểu Quốc hội cho rằng, điều này không có cơ sở và nhận định việc Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Không lo các đại gia công nghệ rút lui

Trao đổi với Báo Lao Động bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, chuyện người dân không hiểu vấn đề và làm theo các trào lưu trên mạng trong mấy ngày gần đây “là nguy hiểm, nên cần phải có cái gì đấy để kiểm soát”. Do đó, Luật An ninh mạng là cần thiết để có sự điều chỉnh và quy định về doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng phải có văn phòng đại diện ở Việt Nam cũng là hợp lý.

Cùng quan điểm, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nhận định Luật An ninh mạng là cần thiết theo nghĩa bổ sung cho Luật An toàn thông tin mạng và có giá trị lấp khoảng trống về hành vi tội phạm, bổ sung chi tiết hơn.

Về lo ngại các hãng công nghệ lớn có thể bị ảnh hưởng thậm chí phải rút khỏi Việt Nam, ông Nhưỡng khẳng định: “Tôi khẳng định sẽ khó có chuyện đó. Việt Nam là một thị trường lớn, họ sẽ phải cân nhắc. Hơn nữa, khi vào một quốc gia, các hãng công nghệ lớn, các doanh nghiệp cũng nghiên cứu rất kỹ luật pháp của nước đó, để có những điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tiễn của nước đó. Tôi biết vẫn còn có ý kiến băn khoăn, nhưng hơn hết, lúc này chúng ta cần đặt lợi ích quốc gia lên trên. Trong điều kiện, hoàn cảnh nhiễu thông tin mạng như hiện tại, việc thông qua Luật An ninh mạng là hết sức cần thiết” - ông Nhưỡng chia sẻ.

Trước đó, trong báo cáo giải trình trước Quốc hội, giải đáp các ý kiến băn khoăn về tính khả thi, khả năng gây khó khăn cho các hoạt động tiếp cận thông tin và trái với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên của quy định mới với các DN nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng các Hiệp định cơ bản của WTO (Hiệp định GATT, Hiệp định GATS) và Hiệp định CPTPP đều có điều khoản ngoại lệ về an ninh và việc chúng ta áp dụng các điều khoản ngoại lệ về an ninh trong luật này là hết sức cần thiết để bảo vệ lợi ích của người dân và an ninh quốc gia.

Theo đó, Việt Nam có quyền yêu cầu các doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải lưu trữ tại Việt Nam đối với dữ liệu quan trọng của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam; đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài tham gia các hoạt động này phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam. Đến nay, đã có hơn 18 quốc gia thành viên của WTO (trong đó có Hoa Kỳ, Canada, Úc, Đức, Pháp) quy định bắt buộc phải lưu trữ dữ liệu trong lãnh thổ quốc gia.

Theo UBTVQH, hiện nay, Google và Facebook đang lưu trữ dữ liệu của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam tại trung tâm dữ liệu đặt tại Hồng Kông và Singapore nên nếu quy định của luật này có hiệu lực thì các doanh nghiệp này phải dịch chuyển đám mây điện toán (máy chủ ảo) về Việt Nam để mở trung tâm dữ liệu tại Việt Nam là hoàn toàn khả thi.

Trường hợp trung tâm dữ liệu được đặt ở Việt Nam tuy có gia tăng thêm chi phí của doanh nghiệp, nhưng là quy định cần thiết phải đáp ứng yêu cầu về an ninh mạng của nước ta và cũng có điểm thuận lợi hơn với doanh nghiệp.

Những hành vi bị cấm trên không gian mạng

Luật nêu rõ những hành vi bị cấm trên không gian mạng gồm tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc.

Hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội cũng bị cấm.

Bên cạnh đó, luật cũng cấm thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngừng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác.

Quốc hội thông qua Luật Cạnh tranh (sửa đổi)

Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua vào sáng 12.6 với 95,28% đại biểu tán thành. Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được thông qua gồm 10 chương với 118 điều, quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh.

Đối tượng áp dụng là: Tổ chức, cá nhân kinh doanh bao gồm cả DN sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, DN hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và DN nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; hiệp hội ngành, nghề hoạt động tại Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.7.2019. 

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học: “Nóng” tự chủ, quản lý trường có yếu tố nước ngoài

Chiều 12.6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Các ĐBQH đặc biệt quan tâm đến chuyện tự chủ đối với trường đại học và đề xuất nên ràng buộc pháp lý với các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài.

Phát biểu thảo luận tại hội trường, ĐB Nguyễn Thị Lan cho rằng, để dự thảo Luật đạt đồng thuận cao, ngoài đổi mới quản trị đại học, chương trình đào tạo, phân tầng xếp hạng đại học còn cần phải quan tâm quy hoạch mạng lưới trường đại học, tránh mở quá nhiều trường.

ĐB Huỳnh Thành Đạt cho rằng, nên để các cơ sở giáo dục được tự chủ động về nhân sự, cho phép các cơ sở tuyển dụng giáo viên, bổ nhiệm về nhân sự, trong đó có nhân sự là người nước ngoài; cho phép các trường được phong giáo sư danh dự và phó giáo sư danh dự. 

Theo MINH QUANG - ĐẶNG CHUNG (LĐO)