Luật hóa quyền của vật nuôi- có thể tránh được các hàng rào kỹ thuật khi xuất khẩu

Cập nhật, 11:16, Thứ Sáu, 15/06/2018 (GMT+7)

Chiều 14/6, trong phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Chăn nuôi, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long có nhiều ý kiến đề xuất đóng góp.

* Đại biểu Phạm Tất Thắng: Việt Nam là quốc gia có nền nông nghiệp phát triển lâu đời, trong đó khí hậu, thổ nhưỡng có nhiều thế mạnh để phát triển chăn nuôi. Nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp lớn với 51,4% tổng số lao động nông thôn trong nông- lâm- thủy sản.

Việt Nam được đánh giá là tiềm năng phát triển chăn nuôi bền vững, tính đến tháng 10/2017, đàn trâu cả nước có 2,5 triệu con, đàn bò 5,7 triệu con, đàn lợn 27,4 triệu con, có 385,5 triệu con gia cầm, tăng 6,6%.

Quy mô chăn nuôi hiện có xu hướng mở rộng vào ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong chọn, tạo giống thức ăn chăn nuôi đã được chú trọng đầu tư. Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý hiện hành cho ngành này chưa đủ.

Bên cạnh việc tạo hành lang pháp lý để phát triển chăn nuôi, luật cần đảm bảo xây dựng một nền chăn nuôi bền vững trên cả 3 phương diện: Một là tăng trưởng ổn định về kinh tế; hai là nâng cao đời sống người dân; ba là đảm bảo giữ gìn môi trường sinh thái và phúc lợi cho vật nuôi.

Theo đó, trụ cột của phát triển chăn nuôi là giống, thức ăn chăn nuôi và môi trường. Thực tế hiện nay ngành chăn nuôi yếu cả 3 trụ cột này, giống và thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, môi trường chưa đảm bảo vì vậy tôi tán thành khi dự thảo luật đã quy phạm hóa 3 trụ cột này.

Tuy nhiên việc xây dựng luật cần giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đang vướng mắc như có cơ chế, chính sách để người dân yên tâm phát triển chăn nuôi.

Có thể là biện pháp hỗ trợ cho nông sản, kiểm soát tốt nguồn gen bản địa duy trì các giống đặc chủng mà chỉ Việt Nam mới có như lợn ỉn, lợn lang hồng, gà ri, gà mía.

Ví dụ, Nhật đã làm rất tốt công việc này như giống bò Kobe nổi tiếng chỉ có duy nhất tại một địa phương của Nhật, họ không xuất bán kể cả tinh phôi mà chỉ bán thịt. Quản lý tốt vật nuôi ở quy mô lớn để kiểm soát nguồn bệnh, kịp thời khoanh vùng xử lý khi có dịch bệnh xảy ra.

Ngoài ra, phải chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn trong chăn nuôi, trong đó đặc biệt cơ chế nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi thay vì nhập khẩu như hiện nay.

Để bảo vệ tốt môi trường cần yêu cầu cả hộ chăn nuôi cho đến các nông trại phải ký cam kết môi trường và có giám sát chặt chẽ bởi lẽ nước thải chăn nuôi rất khó xử lý, dự thảo cần phải quy phạm hóa được vấn đề này.

Về quyền của vật nuôi, dự thảo luật đã khá tiến bộ khi luật hóa quyền của vật nuôi, đây là một quy định tiệm cận với pháp luật của các nước phát triển như Liên minh châu Âu, Mỹ, Úc về quyền của vật nuôi.

Quy định như vậy sẽ giúp sản phẩm chăn nuôi của chúng ta có thể tránh được các hàng rào kỹ thuật khi xuất khẩu. Mặc dù đã đề cập được trong dự thảo luật nhưng có thể thấy quy định vẫn còn tính khái quát cao, việc sử dụng thuật ngữ "nhân đạo với vật nuôi" còn mang tính trừu tượng.

Dự thảo luật cần bổ sung các tiêu chí đảm bảo quyền của vật nuôi ví dụ như không bị đói khát, không bị chịu đau đớn, được kịp thời chữa trị khi có thương tật, bệnh tật...

Ngoài ra, tại quy định các hành vi bị cấm ở Điều 7 dự thảo luật cần bổ sung hành vi cấm ngược đãi, hành hạ gia súc, gia cầm.

Về giống vật nuôi nhân bản vô tính và giống vật nuôi có gen đã bị biến đổi, đây là thành tựu của khoa học công nghệ các nước phát triển đã nghiên cứu cũng như áp dụng có kết quả từ nhiều năm nay nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro khó lường trước.

Tuy nhiên cả 2 giống vật nuôi đặc biệt này chỉ được ghép trong cùng một điều luật hết sức vắn tắt ở Điều 14 và giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

Như vậy có thể thấy sự quan tâm cũng như cơ sở pháp lý về giống vật nuôi nhân bản vô tính và giống vật nuôi biến đổi gen chưa được nghiên cứu thật kỹ lưỡng và thể hiện chi tiết hơn trong dự thảo luật.

Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm những quy định liên quan đến 2 giống vật nuôi đặc biệt này, nhất là về giống vật nuôi bị biến đổi gen.

* Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang: Thống nhất về sự cần thiết phải ban hành Luật Chăn nuôi bởi hiện nay ngành chăn nuôi đã thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng trong nông nghiệp, việc sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi đã có nhiều biến động và thay đổi lớn. 

Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa điều chỉnh, bao quát hết các hành vi thực tế sản xuất, kinh doanh, nhất là ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, vấn đề quy hoạch, định hướng và xử lý chất thải, bảo vệ môi trường trong chăn nuôi..  

Đối với quy định về quản lý thức ăn chăn nuôi, chúng ta biết rằng thức ăn chăn nuôi giữ vai trò quyết định về chất lượng, hiện nay trên thị trường thức ăn chăn nuôi được nhập khẩu từ nhiều quốc gia khác nhau với số lượng, chủng loại và kênh phân phối vô cùng đa dạng, ngay cả công tác quản lý của ngành, chức năng ở nhiều địa phương đã gặp nhiều khó khăn.

Đối với người chăn nuôi việc tìm hiểu về hàm lượng dinh dưỡng trong sản phẩm giữa phân biệt hàng giả, hàng thật và nhận biết những loại thức ăn chăn nuôi chứa chất cấm vượt ngưỡng cho phép hay không còn khó khăn hơn.

Thực trạng thức ăn kém chất lượng thời gian qua đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế nông nghiệp, người chăn nuôi chỉ biết đặt niềm tin và đánh cược lợi nhuận vào lương tâm, trách nhiệm của người sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung những quy định cụ thể, chặt chẽ tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi, ưu đãi cho doanh nghiệp trong nước sản xuất thức ăn chăn nuôi với giá thành nguyên liệu đầu vào thấp, đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn chất lượng, từng bước hạn chế nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, nâng cao chất lượng giá trị trên cùng sản phẩm chăn nuôi để tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Về quản lý môi trường chất thải trong chăn nuôi được quy định trong luật, theo đánh giá của ngành chức năng mỗi năm có trên 85 triệu tấn chất thải từ chăn nuôi được thải ra môi trường.

Việc xử lý chất thải chăn nuôi mặc dù luôn được các ngành chức năng quan tâm, nhưng thực tế hầu hết tại các địa phương những trang trại chăn nuôi có quy mô vừa và nhỏ không có điều kiện về tài chính để đầu tư vận hành công trình xử lý chất thải đạt chuẩn.

Hệ quả đã tác động không nhỏ đến môi trường sống và là một trong những nguyên nhân làm cho tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sức khỏe con người gây nhiều thiệt hại cho nền kinh tế nông nghiệp.

Tôi đề nghị cùng với việc quy định những nguyên tắc quản lý chất thải, quản lý phế phẩm, xử lý chất thải chăn nuôi phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, cần bổ sung những chế định cụ thể về đẩy mạnh ứng dụng chế phẩm sinh học công nghệ cao vào chăn nuôi;

chuyển giao ứng dụng công nghệ tiên tiến, xử lý chất thải chăn nuôi có giá thành phù hợp với từng loại hình, quy mô chăn nuôi và đặc thù vùng miền đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm thiểu chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng nông phẩm an toàn bền vững vì sức khỏe cộng đồng.  

TÂM HUỲNH (ghi)