Làm báo thời hiện đại- bản lĩnh vượt thách thức

Kỳ 2: Máu lửa vượt thách thức, bản lĩnh tạo bản sắc

Cập nhật, 05:17, Thứ Sáu, 22/06/2018 (GMT+7)

Trong những lần ngồi lại chia sẻ về nghề, cánh nhà báo thường nói với nhau rằng muốn theo nghề báo cần “máu lửa”. “Máu lửa” để phát hiện, dấn thân vào những đề tài khó, gai góc, để mang sự thật ra ánh sáng. Tuy nhiên, chỉ “máu lửa” thôi chưa đủ, người làm báo cần bản lĩnh vững vàng để chinh phục khó khăn, thách thức, tạo bản sắc.

Một hình ảnh thú vị cho thấy sự chịu khó, chịu “lăn lê” của nhà báo tại một sự kiện.
Một hình ảnh thú vị cho thấy sự chịu khó, chịu “lăn lê” của nhà báo tại một sự kiện.

Làm nghề bằng “trái tim nóng”

Trong quá trình viết loạt bài này, cũng như trong hành trang làm báo “chưa đủ dài” của mình, chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều phóng viên, nhà báo thuộc nhiều thế hệ.

Và lạ lùng thay, họ nói cho chúng tôi nghe về những vất vả, hiểm nguy trên đường tác nghiệp, thậm chí về những thăng trầm của nghề… bắt đầu từ tình yêu để rồi kết thúc cũng bằng tình yêu.

Cuối cùng, họ “bật mí” với chúng tôi, đơn giản chỉ là: Muốn theo nghề báo phải đam mê, phải có trái tim nhiệt huyết. Còn nếu sợ vất vả và thấy “cái gì cũng bình thường” thì đừng theo nghề báo. Tất nhiên, đó mới chỉ là “điều kiện cần”.

Tròn một năm vào nghề, phóng viên Tuyết Nga (Báo Vĩnh Long) cho biết, không ít lần “trái tim như tuột ra khỏi lồng ngực và tất cả dũng khí bay biến” khi “đi thực tế” viết các đề tài nóng về tệ nạn xã hội.

Tuy nhiên, sau những tháng ngày “ăn ngủ” cùng đề tài, Nga nhận ra rằng, muốn tái hiện sự thật sống động lên mặt báo, là phải đặt hết tâm tư, trái tim nhiệt huyết vào công việc.

Là một phóng viên, trách nhiệm với độc giả và trách nhiệm xã hội là rất lớn, vượt qua sự yếu đuối và cái nhìn bi quan.

Phóng viên Phạm Tấn (Báo Vĩnh Long) thì cho biết đã “bỏ túi” nhiều kỷ niệm nhớ đời sau 3 năm theo nghề. Có lần xuống địa phương xác minh đơn thư bạn đọc phản ánh, đang chụp ảnh thì bị đối tượng gây hấn, đòi lấy máy ảnh, cũng có đôi lần viết có chi tiết nhầm, bị phản ứng dữ dội…

Tuy nhiên, niềm vui vì bài viết của mình mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, cho cộng đồng đã giúp phóng viên trẻ yêu nghề, vượt qua những “ngán ngẩm” khi mới vào nghề để cảm thấy háo hức khi được giao đề tài mới, nhận đơn thư khó.

Như không nhớ hết những vất vả, nguy hiểm đã gặp phải trong nghề báo, nhà báo Bá Dũng (phóng viên thường trú Báo Nhân dân tại Vĩnh Long) nói: Những lần viết phóng sự điều tra, bị đe dọa trả thù hay như một lần bão số 9 về khiến nhiều căn nhà ở Duyên Hải (Trà Vinh) bị sập, nguy hiểm nhưng vẫn phải đi.

Theo anh Bá Dũng, đã yêu nghề thì không ngại khó. Những bài viết về muôn mặt khác nhau của cuộc sống nhưng mang lại hiệu ứng tốt, có ích cho người dân, cho cộng đồng… là động lực để anh gắn bó và thêm yêu nghề.

Càng yêu, càng muốn đi nhiều, đuổi theo cho đến tận cùng sự thật một vấn đề, rồi cân nhắc để “hài hòa” thông tin lên mặt báo.

15 năm làm báo với rất nhiều giải thưởng cao từ các cuộc thi trong tỉnh, giải báo chí quốc gia nhưng chưa bao giờ thôi “nghe những thôi thúc đi”- nhà báo Trần Phước đúc kết: “Theo tôi thì không có công việc nào dễ dàng, làm báo càng có những cái khó riêng.

Ngoài trình độ chuyên môn, nhà báo cần phải có đam mê, chúng tôi hay nói với nhau “nhà báo phải có máu” mới được.

Phải có máu để phát hiện, đầu tư những đề tài khó, gai góc, những vấn đề cần sự dấn thân để viết những tin, bài hay…

Những tác phẩm báo chí mang đậm dấu ấn của nhà báo bằng lao động nhiệt tình, đam mê, thậm chí là “máu lửa” thì mới được bạn đọc chú ý và nhớ”.

Trái tim nóng thì rất cần nhưng nhà báo Phương Nam lưu ý: Người làm báo cần có bầu máu nóng nhưng cần có một cái đầu lạnh để tỉnh táo phân tích, cân nhắc, hài hòa thông tin ở mức cần thiết, thông tin đúng, chính xác đến công chúng.

Bản lĩnh người làm báo thời hiện đại

Vừa đạt giải C Giải Báo chí quốc gia năm 2017 với tác phẩm “Gia đình Huy đất”, đại diện nhóm tác giả Thu Trang- Thanh Trường- Trần Khải (Truyền hình Vĩnh Long) cho biết: 

Đó là một đề tài hiện đại. Đồng thời, đây là một trong số những tác phẩm đầu tư hàng năm mà chị Trang gọi là “sống trọn với nghề”.

Những tác phẩm này được đầu tư nhiều thời gian và tâm sức nhưng hoàn toàn không mang giá trị kinh tế… Theo nhóm tác giả này, người làm báo hiện đại phải có một tầm nhìn hiện đại, có sự khái quát đủ để tiếp cận vấn đề, phán đoán ra được vấn đề một cách hiện đại.

Chẳng hạn, tìm ra hoàn cảnh điển hình để tìm ra một nhân vật điển hình. Đặc biệt, phải làm nghề một cách nghiêm túc và chân thành”- đó là cách để tự bảo vệ mình, để tạo hứng khởi, say mê cho mình.

Theo nhà báo Phương Nam: Để có bản lĩnh, nhà báo cần tự rèn luyện, trang bị cho mình để từ đó biết xử lý thông tin, linh hoạt trong mọi tình huống.

Đó là trau dồi chuyên môn, lý luận chính trị, hiểu biết về chính sách, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và vốn kiến thức rộng. Đó là vũ khí cần thiết mà mỗi nhà báo phải “mài giũa” thường xuyên.

Nhà báo Phù Sa cũng cho rằng, phải tự “vũ trang” cho mình bằng cách tự học, học chuyên môn, nghiệp vụ trong trường và học kinh nghiệm từ đồng nghiệp, từ bên ngoài “trường đời”.

Nghề dạy nghề là vậy. Và ít nhất phải giỏi một ngoại ngữ để đọc, khai thác tư liệu nước ngoài, tăng tri thức cho mình. Viết tin bài làm sao người đọc đã nghe, xem trên mạng rồi mà còn tìm để đọc tin của mình đó mới thành công.

“Theo kinh nghiệm của tôi, người làm báo cần “bố cục” nghề nghiệp cho mình. Trong đó, vạch ra kế hoạch cho 10 năm đầu phải tích lũy, ghi chép chi tiết, kỹ lưỡng, có hệ thống, thời gian đầu cần đi nhiều, nghe nhiều, viết nhiều.

Từ các năm sau đó phải làm được gì và phải có kế hoạch làm sao đến độ tuổi nhất định phải có tác phẩm để đời, có dấu ấn, tên tuổi trong lòng độc giả.

Nhà báo thời hiện đại cũng phải thường xuyên trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ.
Nhà báo thời hiện đại cũng phải thường xuyên trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ.

Làm báo gặp cái gì cũng phải biết, tìm hiểu và viết. Tuy nhiên, “biết nhiều khía cạnh nhưng chỉ cần giỏi một khía cạnh” vậy là thành công”- nhà báo Phù Sa nói.

“Sống thời nào thì viết bài cũng phải có lý, có tình”- nhà báo Phù Sa đúc kết. Đối với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các cơ quan báo chí, đặc biệt là thông tin trên mạng, mạng xã hội thì người làm báo Đảng- chiến sĩ cách mạng cần chú ý nhiều vấn đề.

Trong đó, đưa tin nhanh, nóng hổi là đương nhiên nhưng nhanh thôi là chưa đủ mà còn phải có giá trị, chính xác mà phải có tình người.

Ngoài ra, những tác phẩm báo chí cần phải có tác động giúp cho người đọc có kiến thức, về một vấn đề nào đó, tương đối đầy đủ. Dù làm báo thời công nghiệp 4.0 hay cao hơn, nhà báo cũng cần trang bị cơ bản những phẩm chất như vậy mới đương đầu với những thách thức, vượt qua những khó khăn trên đường tác nghiệp.

1. Ông Phạm Hoàng Khải- Tổng Biên tập Báo Vĩnh Long

Làm báo thời nào cũng vậy, không thể thiếu hơi thở cuộc sống và tính chiến đấu của báo chí. Người làm báo thời hiện đại không chỉ phản ánh mà còn cần phản biện, phê bình, đề xuất, định hướng…

Để tồn tại và phát triển, cơ quan báo chí nói chung và người làm báo hiện nay cần khai thác, ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào làm báo, phát huy mạnh mẽ thế mạnh của báo chí chính thống là nguồn thông tin tin cậy, trách nhiệm cao, chính xác, tuân thủ pháp luật và được pháp luật bảo vệ.

Muốn vậy, cần không ngừng đổi mới, cải tiến nội dung, hình thức đưa tin. Người làm báo phải vững chuyên môn, có phương pháp, nghệ thuật, làm báo luôn sáng tạo, lăn xả, không ngại khó khăn gian khổ, dự báo tốt, nhanh nhạy có mặt ở đầu nguồn tin tức để thu thập tài liệu cùng lúc, thậm chí trước cả tin tức từ mạng xã hội, báo chí không chính thống.

Cạnh tranh thông tin một cách công bằng, dân chủ với lực lượng làm báo nghiệp dư của mạng xã hội. Cổ nhân có dạy rằng “chỉ có ta phụ nghề chứ nghề không phụ ta”.

Chấp nhận thách thức, tâm huyết vì nghề, triệt để khai thác, ứng dụng khoa học, công nghệ, chắc chắn chúng ta sẽ tìm ra con đường đúng, hợp lý để đưa báo chí chính thống tiến lên.

Thách thức hiện nay đối với báo chí chính là thách thức đối với lực lượng nhà báo trẻ. Báo chí phát triển đi lên hay tàn lụi và chấm dứt sứ mệnh lịch sử tùy thuộc vào các bạn.

2. Bà Nguyễn Thị Hồng Thư- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long

Để không ngừng tiến bộ, bản thân người làm báo phải tự nỗ lực, tự học tập trau dồi nâng cao kiến thức, bắt kịp xu thế làm báo thời hiện đại, sao cho mỗi bài viết không chỉ dừng lại ở mức độ phản ánh mà còn mang tính giải quyết vấn đề…

Trong giai đoạn hiện nay, việc chắt lọc thông tin rất khó, đòi hỏi mỗi người làm báo phải nhạy bén, có bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn vững vàng.

Bài, ảnh: TẤN ANH- TUYẾT HIỀN