NHÂN KỶ NIỆM 200 NĂM NGÀY SINH C.MÁC (5/5/1818- 5/5/2018)

Hoạt động cách mạng sôi nổi và con đường tìm ra quy luật lịch sử của C.Mác

Cập nhật, 05:53, Thứ Bảy, 05/05/2018 (GMT+7)

C.Mác (Karl Marx) sinh ngày 5/5/1818 ở TP Trier- thủ đô của một công quốc tôn giáo lớn, nơi cư trú của đại giáo chủ xứ Trier- và khi qua đời (ngày 14/3/1883) được an táng tại nghĩa trang Haighết (Highgate- London).

Từ nhỏ, C.Mác đã bộc lộ tư chất thông minh, ý chí tự lập và khả năng sáng tạo đầy hứa hẹn. Trong bài luận văn tốt nghiệp viết năm 17 tuổi, ông đã xác định sự nghiệp và hạnh phúc của mỗi con người mới không còn là ích kỷ, hạn chế và đáng thương, mà trái lại, nó sẽ trở thành hoàn thiện và vĩ đại.

Karl Marx.
Karl Marx.

Mới 19 tuổi (1837), C.Mác đã nghiên cứu kỹ tác phẩm của Hêgen (Hegel) (1770-1831)- triết gia Đức nổi tiếng và là người sáng lập ra học thuyết về phép biện chứng duy tâm.

Đặc biệt, Mác chú ý đến triết học của Êpicuơ (Épicure)- một trong những nhà tư tưởng lớn nhất thời cổ đại.

Trong luận án tiến sĩ Về sự khác nhau giữa triết học tự nhiên của Democritos (Đêmôcrit) và triết học tự nhiên của Êpicuơ (1841), Mác kịch liệt chống mê tín, dị đoan và mọi triết học phản động muốn việc nghiên cứu khoa học phải phục tùng lợi ích của tôn giáo.

Vấn đề cơ bản mà Mác quan tâm là vấn đề cách mạng, bản chất, nguyên nhân và động lực của nó. Công tác thực tiễn ở báo Rheinisehe Zeitung đã làm thay đổi về cơ bản thế giới quan của Mác, chuyển từ chủ nghĩa duy tâm sang chủ nghĩa duy vật và từ chủ nghĩa dân chủ- cách mạng sang chủ nghĩa cộng sản.

Nghiên cứu tác phẩm của Hêgen, Mác thấy rõ Nhà nước không phải là hiện thân của lý trí thế giới, hiện thân của cái chung đứng riêng các lợi ích riêng như Hêgen khẳng định.

Mác thấy phải xét lại một cách có phê phán cái quan niệm duy tâm của Hêgen về xã hội và Nhà nước, phát hiện những động lực thật sự của tiến bộ xã hội, những biện pháp và hình thức làm biến đổi thế giới bằng cách mạng.

Thời kỳ này, Mác viết một công trình quan trọng phê phán học thuyết của Hêgen về Nhà nước và pháp luật, có nhan đề: Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêgen (sau khi Mác qua đời, công trình này mới được xuất bản ở Liên Xô năm 1927).

Đóng góp to lớn về mặt lý luận của Mác trong quá trình phê phán Hêgen đưa ra một quan niệm đúng đắn về một chế độ xã hội dân chủ, ở đó nền dân chủ là sự tự quyết của nhân dân, lợi ích của nhân dân.

Tháng 2/1844, trên tờ Tạp chí Deutsch- Franzosische Jahrbucher (Niên giám Pháp- Đức), Mác đăng bài “Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêgen”.

Lời mở đầu đã khẳng định rằng giai cấp có thể thực hiện việc giải phóng toàn thể nhân loại phải là giai cấp vô sản.

Cũng trên tờ tạp chí này có 2 tên tác giả đứng cạnh nhau: C.Mác và Phriđơrich Ăngghen (Friedrich Engels)- người sau này gắn liền với tên tuổi và học thuyết cách mạng của C.Mác.

Tuy nhiên, những quan điểm mới của C. Mác trình bày trên tờ tạp chí trên chỉ là một giả thuyết thiên tài đối với sự phát triển lịch sử của xã hội.

Nó cần được chứng minh về mặt lịch sử. Và C.Mác đã hướng toàn bộ hoạt động lý luận để phục vụ việc chứng minh này.

Hiện thực khách quan sinh động ở nước Pháp thời gian C.Mác sống ở Paris đã giúp Mác hiểu sâu hơn cơ cấu nội tại của sự phát triển chủ nghĩa tư bản và những mâu thuẫn của nó.

Từ tháng 5-8/1844, C. Mác viết Bản thảo kinh tế- triết học năm 1844, thực chất là những phôi thai của những tư tưởng hết sức quan trọng mà sau này Mác phát triển một cách khoa học trong bộ “Tư bản”.

Tháng 2/1845, cuốn sách “Gia đình thần thánh” của Mác và Ăngghen viết chung ra đời đã phê phán mạnh mẽ chủ nghĩa duy tâm chủ quan của phái Hêgen trẻ, thực chất là phê phán toàn bộ chủ nghĩa duy tâm, đồng thời nêu ra vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử.

Thời kỳ hoạt động của Mác ở Paris kết thúc (tháng 2/1845), một thời kỳ mới sau đó mở ra với mục đích rõ ràng mà Mác tự đặt ra cho mình: đề xuất một học thuyết cách mạng mới.

Mác cùng với Ăngghen hợp sức viết Hệ tư tưởng Đức (1845- 1846) tiếp tục phê phán chủ nghĩa duy tâm của Hêgen và phái Hêgen trẻ đồng thời phê phán chủ nghĩa duy vật không nhất quán của Luivich Phoiơbach (Ludwig Feuerbach).

Trong cuốn “Sự bần cùng của triết học” (1847), Mác đã chống lại triết học tiểu tư sản của Pruđông (Proudhon) và trình bày những cơ sở của chủ nghĩa duy vật lịch sử và chính trị kinh tế học vô sản.

Năm 1848, được sự ủy nhiệm của Đại hội II Liên đoàn những người cộng sản, Mác và Ăngghen viết “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”- một văn kiện mang tính chất cương lĩnh của Chủ nghĩa Mác và đảng vô sản, nó soi sáng cho giai cấp công nhân toàn thế giới con đường đấu tranh để thoát khỏi chế độ nô lệ tư bản chủ nghĩa và đưa cách mạng vô sản đến thắng lợi.

Mác và Ăngghen đã phân tích một cách sâu sắc vai trò của đấu tranh giai cấp trong lịch sử xã hội loài người. Cuộc đấu tranh giữa những người bị áp bức và những kẻ áp bức là động lực chủ yếu của sự phát triển lịch sử.

Vạch rõ những quy luật chủ yếu của cuộc cách mạng vô sản, Mác và Ăngghen viết rằng, bước đầu tiên của cuộc cách mạng đó là “biến giai cấp vô sản thành giai cấp thống trị, là giành lấy dân chủ”.

Tư tưởng đó là tư tưởng xác lập “chuyên chính của giai cấp vô sản” (mặc dù trong Tuyên ngôn chưa có thuật ngữ này), và khái niệm chuyên chính vô sản và nhà nước vô sản được thể hiện rất rõ trong Tuyên ngôn.

Đồng thời Mác cũng khẳng định rõ đấu tranh giai cấp là động lực thúc đẩy xã hội phát triển và quy luật bạo lực cách mạng trong việc giành lấy chính quyền về tay giai cấp vô sản.

Tháng 6/1859, công trình thiên tài của C.Mác góp phần phê phán môn chính trị kinh tế học ra đời viết về tiền tệ và lưu thông tiền tệ; nhưng điều đặc biệt quan trọng là lần đầu tiên tác phẩm đã trình bày học thuyết Mác xít về giá trị, cơ sở của học thuyết kinh tế của C.Mác.

C.Mác là người tổ chức và là lãnh tụ của Quốc tế cộng sản I thành lập ngày 28/9/1864 ở London. Mác dốc toàn bộ tâm sức của mình để thống nhất phong trào công nhân các nước liên hợp lại.

Năm 1867, Bộ Tư bản (tập I)- tác phẩm chủ yếu của Mác ra đời. Tập II và III Mác không kịp hoàn tất, Ăngghen đảm nhiệm việc xuất bản 2 tập này.

Trong bộ “Tư bản”, C.Mác đã vạch rõ quy luật giá trị thặng dư dưới hình thái giá trị thặng dư tuyệt đối và giá trị thặng dư tương đối; và quy luật giá trị với tư cách là quy luật chung của nền sản xuất hàng hóa được phát triển trong quy luật cung và cầu, trong những quy luật của lưu thông tiền tệ, v.v…

Trong kết luận của “Bộ Tư bản”, Mác nêu lên sự tất yếu phải thủ tiêu nền sản xuất tư bản chủ nghĩa và thay thế nó bằng một hình thái tổ chức cao hơn của xã hội cộng sản chủ nghĩa.

Trong tác phẩm những năm cuối đời, Mác nêu lên hình thức hợp lý nhất của chuyên chính vô sản là kiểu tổ chức chính trị như công xã Pari (Cuộc nội chiến ở Pháp- 1881).

Trong cuốn “Phê phán cương lĩnh Gôta” (1875), Mác đã kịch liệt phê phán những sai lầm cơ hội chủ nghĩa của những người lãnh đạo đảng xã hội dân chủ Đức, đề ra một vấn đề hết sức quan trọng về thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản và 2 giai đoạn của chủ nghĩa cộng sản, nghĩa là bản thân xã hội cộng sản phải phát triển qua 2 giai đoạn: giai đoạn thấp- chủ nghĩa xã hội và giai đoạn cao- chủ nghĩa cộng sản.

Năm 1876, sau khi Quốc tế I giải tán, Mác nêu lên ý kiến thành lập các đảng vô sản ở các nước là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong phong trào công nhân.

Tên tuổi của C.Mác cùng với P.Ăngghen mãi mãi đi vào lịch sử nhân loại như những người sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học có tác động to lớn và sâu rộng đối với nhân loại tiến bộ.

PV (Trích lược từ Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)