Một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII)

Đột phá từ việc tự phê bình và phê bình

Cập nhật, 05:44, Thứ Bảy, 03/02/2018 (GMT+7)

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) là nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng đầu tiên mà BCH Trung ương Đảng khóa XII ban hành nhằm tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Sau khi Nghị quyết được ban hành, Tỉnh ủy đã xây dựng chương trình hành động và kế hoạch thực hiện trong hệ thống chính trị nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Để thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4, cần phát huy vai trò giám sát của nhân dân, MTTQ, các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội. Trong ảnh: Đoàn công tác của Ban Dân vận Trung ương tại hội nghị tổng kết công tác giám sát và phản biện xã hội tại tỉnh Vĩnh Long.
Để thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4, cần phát huy vai trò giám sát của nhân dân, MTTQ, các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội. Trong ảnh: Đoàn công tác của Ban Dân vận Trung ương tại hội nghị tổng kết công tác giám sát và phản biện xã hội tại tỉnh Vĩnh Long.

Cán bộ hiểu đúng mới làm việc đúng

Trong 27 biểu hiện suy thoái của 3 nhóm vấn đề mà Nghị quyết Trung ương 4 ban hành, Tỉnh ủy xác định công tác giáo dục chính trị tư tưởng là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy, tổ chức đảng, cần tập trung nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên.

Theo đó, sau đợt triển khai, quán triệt Tỉnh ủy đã chỉ đạo tất cả cán bộ chủ chốt và đảng viên phải viết bài thu hoạch và có gắn kết với nhiệm vụ chuyên môn của mình, cá nhân người đứng đầu và tập thể các cấp ủy còn xây dựng kế hoạch thực hiện.

Vì sao Tỉnh ủy xác định công tác giáo dục chính trị tư tưởng là nhiệm vụ thường xuyên? Theo đồng chí Nguyễn Thành Thế- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, bởi lẽ thời gian qua vẫn còn tình trạng thực hiện kỷ cương, kỷ luật của Đảng chưa nghiêm, còn biểu hiện “nhẹ trên, nặng dưới”.

Một số cán bộ, đảng viên trong đó có cả cán bộ lãnh đạo quản lý nhận thức về việc tự kiểm điểm còn nặng tính hình thức, qua loa, chiếu lệ; tự phê bình và phê bình chưa tự giác, chưa gương mẫu, còn tư tưởng nể nang, ngại va chạm, né tránh,…

Do đó, phải thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng để cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức, tình hình, nhận diện được những biểu hiện suy thoái để thống nhất trong nhận thức và hành động.

Trên tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, từng tổ chức Đảng đã xây dựng chương trình hành động và kế hoạch thực hiện để giải quyết tốt những biểu hiện mà Nghị quyết Trung ương 4 đề ra.

Đồng chí Hồ Văn Huân- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vĩnh Long- cho biết: Thành ủy chỉ đạo các địa phương, cơ sở thực hiện tốt công tác tự phê bình và phê bình; xem đây là việc làm thường xuyên, là vũ khí, là nguyên tắc và hơn thế còn là đạo đức, là tình người để ngăn chặn sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ đảng viên.

Cuối năm 2016, Thành ủy đã nghiêm túc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình đối với tập thể và cá nhân từng đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy về công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị gắn với những nội dung của Nghị quyết Trung ương 4.

Đặc biệt là gợi ý kiểm điểm sâu đối với 7 trường hợp, qua đó đã kịp thời khắc phục những hạn chế khuyết điểm trong thực hiện nhiệm vụ.

Xác định Nghị quyết Trung ương 4 có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, tác động lớn đến công tác xây dựng Đảng, Thị ủy Bình Minh xác định cán bộ, đảng viên có nhận thức đúng thì mới hành động đúng.

Đồng chí Nguyễn Hiếu Nghĩa- Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Bình Minh- cho biết: Ngoài giáo dục chính trị tư tưởng, Thị ủy luôn quán triệt tư tưởng của Bác “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.

Do đó, trong thực hiện đề bạt, bố trí sử dụng cán bộ phải đúng người đúng việc, vì công việc bố trí cán bộ, phải đảm bảo các tiêu chuẩn quy định, trong đó chú trọng tiêu chuẩn phẩm chất đạo đức, lối sống và đánh giá đúng năng lực thực sự của cán bộ.

Lấy tự phê bình và phê bình làm khâu đột phá

Qua một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, cán bộ, đảng viên đã nâng cao nhận thức, nhận diện rõ những biểu hiện suy thoái mà nghị quyết đề ra.

Năm 2017, tỉnh lấy công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình làm khâu đột phá, qua đó tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình được nâng lên, công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái đã đạt một số kết quả tích cực.

Theo đồng chí Nguyễn Thành Thế, để thực hiện tốt nghị quyết này, phải thường xuyên tự phê bình và phê bình trong các cuộc họp sinh hoạt lệ chi bộ, tự phê bình trong kiểm điểm, đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và cán bộ, đảng viên hàng năm.

Đồng chí cho biết thêm, đối với những vấn đề phức tạp, dư luận bức xúc, có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì cấp trên gợi ý nội dung kiểm điểm và trực tiếp dự, chỉ đạo việc kiểm điểm.

Đồng thời, lấy kết quả công việc làm thước đo chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên.

Khi bắt đầu thực hiện nghị quyết này, Huyện ủy Long Hồ thực hiện đồng bộ 4 nhóm giải pháp là giáo dục chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; công tác cán bộ; kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng và phát huy vai trò giám sát của nhân dân, MTTQ, các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội.

Theo đồng chí Hồ Văn Minh- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Long Hồ: Huyện ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và công khai kết quả thông qua bản cam kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và kế hoạch đăng ký thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị.

Qua công tác kiểm tra năm 2017, đã thi hành kỷ luật 17 trường hợp, quyết định cho ra khỏi Đảng 19 trường hợp, xóa tên 28 trường hợp.

Từ việc làm nghiêm, đúng các quy định, mà các đảng viên, các chi bộ đảng đều phải tự soi và sửa mình, hình thành ý thức tự giác, trách nhiệm.

Năm 2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo gợi ý kiểm điểm 18 tập thể, 10 cá nhân; Ban Thường vụ các cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy gợi ý kiểm điểm 48 tập thể và 55 cá nhân.

Những nội dung kiểm điểm tập trung việc thực hiện quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ; vai trò, trách nhiệm của tập thể và cá nhân người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác tổ chức, cán bộ...

Qua kiểm điểm, có 1 tập thể và 10 cá nhân được yêu cầu cần nghiêm túc tiếp thu những hạn chế và có kế hoạch khắc phục những khuyết điểm trong thời gian sớm nhất.

Tính đến nay, hầu hết cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên đã cơ bản khắc phục xong hạn chế, khuyết điểm, qua đó chất lượng hoạt động, tinh thần đoàn kết, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ có nhiều chuyển biến tốt.

Để thực hiện có hiệu quả nghị quyết này trong thời gian tới, đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 gắn với kiểm điểm tập thể, cá nhân hàng năm.

Ngoài ra, ở những đơn vị còn thực hiện nhiệm vụ đạt kết quả thấp hoặc có vấn đề phức tạp, dư luận bức xúc, có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì cấp trên gợi ý kiểm điểm, trực tiếp dự và chỉ đạo kiểm điểm sâu.

Điều quan trọng nhất là người đứng đầu phải luôn tự “soi mình”, tự phê bình và phê bình để cảnh giác, phòng ngừa đối với những biểu hiện suy thoái theo tinh thần của nghị quyết này.

Theo đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Long, trong năm 2017, qua kiểm tra, giám sát, kiểm điểm tự phê bình và phê bình, toàn tỉnh đã xử lý kỷ luật 148 đảng viên (trong đó có 31 cấp ủy viên) bằng các hình thức: khiển trách 74 (chiếm 50%), cảnh cáo 47 (31,75%), cách chức 3 (2,03%), khai trừ 24 (16,22%). So với năm 2016, số cán bộ, đảng viên bị kỷ luật giảm 5,12% (148/156).

Tới đây, xây dựng, ban hành tiêu chí đánh giá đối với từng chức danh cụ thể, trong đó tập trung vào tiêu chí đánh giá người đứng đầu các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy, người đứng đầu và bí thư cấp ủy các cấp. Kịp thời thay thế người đứng đầu các cấp, các ngành không thực hiện đúng quy định của Đảng, Nhà nước, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bài, ảnh: THANH TÂM

TIN LIÊN QUAN