Cần có chế tài xử lý nếu không thực hiện những kết luận sau giám sát

Cập nhật, 08:48, Thứ Năm, 10/08/2017 (GMT+7)

Tại hội nghị bàn về các giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị (khóa XI) về giám sát và phản biện xã hội (GS- PBXH) của MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội (CTXH), lãnh đạo các tỉnh- thành phía Nam đề xuất, để phát huy hiệu quả cần có cơ chế xử lý nếu không thực hiện những kết luận sau giám sát.

 

Việc lựa chọn những nội dung để giám sát cần thiết thực, bức xúc và dư luận quan tâm. Đồng thời, nên mời thêm các chuyên gia, những người am hiểu nhiều lĩnh vực cùng tham gia đoàn giám sát.
Việc lựa chọn những nội dung để giám sát cần thiết thực, bức xúc và dư luận quan tâm. Đồng thời, nên mời thêm các chuyên gia, những người am hiểu nhiều lĩnh vực cùng tham gia đoàn giám sát.

Vẫn còn nhiều lúng túng

Sau 3 năm triển khai thực hiện quyết định về GS- PBXH, các tỉnh- thành ủy, MTTQ và các đoàn thể CTXH đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động GS- PBXH.

Nội dung GS- PBXH ngày càng có hiệu quả hơn, gắn với cuộc sống thiết thực của người dân: chính sách với người có công, bảo vệ môi trường, thực hiện pháp luật về BHXH, an toàn thực phẩm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xác định sự hài lòng của người dân đối với các dịch vụ hành chính công,…

Tuy nhiên, việc thực hiện GS- PBXH cũng đang gặp những khó khăn nhất định và chưa phát huy tối đa theo tinh thần của 2 quyết định này.

Theo ông Mai Đức Chính- Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Trong 3 năm, đoàn GS liên ngành đã thực hiện 2 nội dung GS là thực hiện pháp luật về BHXH và tình trạng đình công tại các địa phương.

Qua GS, đã phát hiện nhiều doanh nghiệp nợ đọng tiền đóng bảo hiểm các loại từ hàng trăm đến hàng ngàn tỷ đồng và tồn tại này ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các chế độ bảo hiểm cho người lao động. Đoàn đã đề nghị các doanh nghiệp sớm khắc phục, kiến nghị với UBND các tỉnh tăng cường kiểm tra, thanh tra vấn đề này.

Tuy nhiên, do chưa có cơ chế bắt buộc thi hành kết luận GS hoặc cơ chế xử lý hành chính đối với các đơn vị không thực hiện kết luận GS, nên việc các đơn vị có thực hiện hay không đoàn cũng không biết.

Đối với các địa phương, việc thực hiện 2 quyết định này vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng- Trần Đức Quận, thời gian qua, việc thực hiện GS- PBXH trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng sự kỳ vọng của người dân.

Theo đó, một số đơn vị, đối tượng được GS vẫn còn tâm lý làm đối phó, làm cho xong, một số cán bộ tham gia GS có tâm lý ngại va chạm, nể nang. Ngoài ra, việc tạo điều kiện để phát huy quyền làm chủ nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền nhiều nơi còn hạn chế, hoạt động PBXH chưa nhiều- nhất là cấp huyện và cơ sở.

Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ- Phạm Văn Hiểu cho rằng, thời gian qua hoạt động PBXH của MTTQ và các đoàn thể CTXH còn lúng túng và chỉ dừng lại mức góp ý, đề xuất. Nguyên nhân do cán bộ GS còn hạn chế và chưa nắm sâu về các lĩnh vực.

Việc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền thường chỉ tập trung đóng góp văn kiện đại hội Đảng các cấp, đề xuất những kiến nghị, bức xúc của nhân dân và chưa có nhiều ý kiến góp ý về sự chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền.

 

Theo đồng chí Trương Thị Mai- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, để thực hiện tốt cơ chế GS, nếu MTTQ nhận được đơn thư của người dân phản ánh liên quan đến cán bộ, đảng viên thì MTTQ sẽ phản ánh cấp ủy cùng cấp. Khi đó, cấp ủy có trách nhiệm thông tin lại cho MTTQ việc đó có hay không. Nếu có thì giải quyết như thế nào để thông tin cho người dân biết. Nếu cấp ủy cùng cấp không lắng nghe thì báo cáo lên MTTQ cấp trên. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện GS- PBXH, cần mời thêm các chuyên gia, những người am hiểu nhiều lĩnh vực cùng tham gia đoàn GS để góp phần nâng cao chất lượng GS- PBXH.

 

Nên xây dựng quy chế GS cán bộ, đảng viên

Theo nhiều đại biểu, Quyết định 217, 218 là một chủ trương đúng và ngày càng chứng minh sự cần thiết trong quá trình phát triển. Thực tiễn đã chứng minh, nơi nào thực hiện nghiêm túc thì quá trình phát triển, điều hành và việc ban hành các chính sách sẽ tốt hơn cho quá trình phát triển của địa phương và ngược lại.

Thời gian qua, ngoài GS- PBXH nhiều địa phương tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân qua đó có rất nhiều vấn đề nóng, phức tạp đã được giải quyết ổn thỏa.

Để công tác GS- PBXH thời gian tới đạt hiệu quả hơn nhiều đại biểu đề nghị cần tiếp tục thực hiện tốt quy chế dân chủ theo phương châm “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”. Ngoài ra, MTTQ và các đoàn thể CTXH cần lựa chọn những vấn đề nóng, bức xúc nhất để thực hiện GS, đồng thời cần có quy định chế tài đối với việc thực hiện kết luận GS hoặc phúc tra sau GS.

Ông Trần Thanh Mẫn- Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam- cho biết, chưa bao giờ quy định của Đảng về GS- PBXH lại đầy đủ như hiện nay. Ngay khi ban hành 2 quyết định này, nhiều địa phương đã chủ động, sáng tạo thực hiện nghiêm túc và bước đầu tạo sự đồng thuận và tin tưởng của người dân.

Theo ông Trần Thanh Mẫn, như Đảng nhận định hiện nay có một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu, làm xói mòn, suy giảm lòng tin của dân đối với Đảng, chính quyền.

Ngoài ra, nguyên tắc tự phê bình và phê bình nhiều nơi thực hiện chưa tốt ngay trong tổ chức đảng, ngay trong từng cơ quan và việc góp ý cho đối tượng là lãnh đạo nếu không có chỉ đạo chặt chẽ rất khó thực hiện và dù có quy định cũng không khả thi.

Vì thế, thời điểm này, rất cần thiết ban hành cơ chế kiểm tra, GS của MTTQ, các đoàn thể CTXH và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và đảng viên.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Thái Ngọc Bảo Trâm- Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Tiền Giang- cho rằng, nên xây dựng cơ chế GS cá nhân, nhất là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt. Bởi vì, thời gian qua đã nổi lên một số trường hợp cán bộ chủ chốt, người đứng đầu xây dựng “biệt phủ”, kê khai tài sản không trung thực… làm người dân bức xúc.

Trong 3 năm, 63 tỉnh- thành đã tổ chức 55.970 cuộc GS; công tác PBXH được triển khai sâu rộng với 30.661 cuộc, ngoài ra MTTQ các cấp tổ chức hơn 90.000 cuộc đối thoại với người dân và được người đứng đầu tiếp thu, giải trình góp phần phát huy dân chủ, tăng cường sự đồng thuận xã hội và nhiều vấn đề nóng, phức tạp của địa phương được giải quyết ổn thỏa.

 

Bài, ảnh: BÙI THANH