Viết thêm trang sử đổi mới trên vùng đất anh hùng

Kỳ cuối: Điểm tô bức tranh nông thôn thêm sáng

Cập nhật, 09:23, Thứ Sáu, 14/07/2017 (GMT+7)

 

Thời chiến, bà Nguyễn Thị Bảy (phải) bất kể đêm ngày nấu cơm nuôi cán bộ, bộ đội, thời bình bà hiến đất, góp tiền xây NTM.
Thời chiến, bà Nguyễn Thị Bảy (phải) bất kể đêm ngày nấu cơm nuôi cán bộ, bộ đội, thời bình bà hiến đất, góp tiền xây NTM.

Trở về Vũng Liêm trong những ngày đầu tháng 7, chúng tôi được nghe câu chuyện hào hùng về nơi đầu tiên nổ ra cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Vĩnh Long, được nhìn thấy sự chuyển mình đổi mới trên quê hương của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng sự vượt khó đi lên của những người con của vùng đất trung dũng, kiên cường đã góp phần điểm tô cho bức tranh nông thôn thêm sáng.

Đổi thay trên quê hương chú Chín Hòa

Tuy trụ sở làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND xã Trung Hiệp đang được xây dựng và khá bề bộn nhưng bảng tư liệu hình ảnh về chú Chín Hòa (tên gọi thân thương của người dân dành cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) khi về thăm quê hương- vẫn được đặt nơi trang trọng trong phòng tiếp dân.

Một số người dân kể cũng nhờ chú Chín Hòa vạch đường làm ăn mà bà con có thêm thu nhập, cuộc sống khá hơn.

Chú Chín Hòa từng nói: “Ở nông thôn, sau vụ mùa, người dân còn khá nhiều thời gian nhàn rỗi, vậy sao không tạo ra sản phẩm từ phế phẩm nông nghiệp là rơm như ủ nấm, trồng rau, chăn nuôi trâu bò?”

Những năm 2000, xã Trung Hiệp còn gặp nhiều khó khăn, chuyện đi lại, thông thương hàng hóa khá bất tiện.

Những lần về thăm, thấy quê hương có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nhưng chưa được đầu tư xứng đáng, chú Chín Hòa vận động các doanh nghiệp và gia đình đầu tư xây nhiều công trình thiết yếu đáp ứng nhu cầu dân sinh. 

Trong đó, tuyến đường nhựa nối liền xã Trung Hiệp với QL53, công trình đường điện trung thế, Trường Tiểu học Trung Hiệp A, trạm y tế xã, chợ... đều mang đậm “dấu ấn” của chú Chín Hòa.

Câu chuyện mà Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác mặt trận ấp Bình Phụng Nguyễn Văn Duyên “không bao giờ quên được”- đó là khi cùng chú Chín Hòa thăm bà con trong ấp. Đến “ngã ba cây xoài”, đường lầy lội rất khó đi, chú Chín Hòa xắn quần đi và nói: “Sao để đường sá như thế này?

Phải làm thế nào thông xe 2 mùa mưa, nắng để các cháu đi học dễ dàng hơn chứ!” Từ gợi ý đó mà năm 2007, tuyến đường dài hơn 2km được thi công với kinh phí trên 280 triệu đồng, trong đó bà con đóng góp gần hết, còn lại ba mươi mấy triệu đồng là nguồn hỗ trợ của xã”- ông Duyên phấn khởi khoe.

Ông Nguyễn Văn Ren- cùng ngụ ấp Bình Phụng- vui vẻ nói: “Sống gần cả đời người, mới thấy quê hương phát triển tươi đẹp như ngày hôm nay. Đường sá thông thoáng, người dân có nước máy sử dụng, điện cũng được kéo đến tận nhà…”.

Vùng đất anh hùng này, mấy mươi năm trước súng đạn liên miên không dứt, chuyện mất mát hy sinh như “cơm bữa”. Bom đạn dội ì đùng trên đầu nhưng nhiều người vẫn kiên trì bám trụ, một lòng sống chết cùng cách mạng, thì ngay thời bình, những người con ưu tú của quê hương tiếp tục hiến đất, góp của để xây nông thôn mới (NTM).

 

Trung Hiệp (Vũng Liêm), Thuận An (TX Bình Minh), Phước Hậu (Long Hồ) là 3 xã anh hùng vừa được Hội đồng thẩm định xét công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016- 2020. Trong đó, xã Trung Hiệp có 7/19 tiêu chí vượt so quy định; nổi bật nhà ở đạt chuẩn vượt trên 18%, tỷ lệ hộ dân có nước sạch sử dụng vượt gần 19,3%; tỷ lệ lao động qua đào tạo vượt 24,8%...

 


Hiến của hồi môn cho Nhà nước làm đường

Dọc tuyến đường đan Ấp 4 (xã Trung Hiệp) rộng thoáng với những hàng dừa xanh thẳng tắp, chúng tôi không khỏi xuýt xoa. Căn nhà tường kiên cố của bà Nguyễn Thị Tuyết nằm khuất sau vườn cây.

Thấy khách đến, bà mừng vui: “Tháng 6 này, tui về cúng cơm cha, anh và em trai nên ở nhà hơi lâu. Sau đó thì theo tụi nhỏ lên thành phố. Lớn tuổi lại bệnh rề rà nên mình ên ở quê thì tụi nhỏ hổng yên tâm”.

Bà nội, mẹ ruột và mẹ chồng của bà Tuyết đều là Mẹ Việt Nam anh hùng, còn cha và chồng bà đều là liệt sĩ. Thời chiến, bà Tuyết tham gia đánh mìn và bị địch bắt tù đày, trước những nhục hình tra tấn tàn độc nhưng bà vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản...

Trở về đời thường, bà Tuyết gánh luôn trách nhiệm làm cha để nuôi 3 con nên người và tiếp tục xây dựng quê hương.

Với 6 lượng vàng của mẹ bà để lại, bà đã cùng anh trai đem tặng cho xã để làm đường cho dân đi. Năm 2014, khi mẹ bà Tuyết vinh dự được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình bà tiếp tục hiến hết số tiền hơn 40 triệu đồng để đan hóa tuyến đường trước nhà.

“Trước đây đường này tắc khúc, lầy lội, đi đứng rất khó khăn. Nhà nước và dân cùng hợp sức mới có đường thông thoáng đi lại êm như vậy. Tiền của má cho dùng để xây đường thì kể như còn hoài...”- bà Tuyết nhắc nhớ.

Bà Nguyễn Thị Tuyết (trái) đã hiến đất, hiến vàng để cùng Nhà nước làm đường cho dân đi.
Bà Nguyễn Thị Tuyết (trái) đã hiến đất, hiến vàng để cùng Nhà nước làm đường cho dân đi.

Gần đó, bà Nguyễn Thị Bảy- vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Út- cũng góp thêm 1 triệu đồng để vận động các hộ lân cận chung tay xây đường. Mặt khác, khi tuyến đường liên xóm Ấp 4 được đầu tư mở rộng, bà hiến gần 340m2 đất, trị giá 101 triệu đồng vì “chỉ cần có đường đi lại thuận tiện là thấy sướng rồi”.

Trên tuyến đường ấp Ruột Ngựa dài gần 3,6km đang chuẩn bị nhựa hóa, chúng tôi ghé thăm gia đình bà Nguyễn Thị Giao- vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Châu- đã hiến 187m2 đất, trị giá 56 triệu đồng.

Bà kể: “Con đường này trước đây nhỏ xíu hà, mùa mưa thì lầy lội, trơn trợt. Tay xắn quần, tay xách dép, đến đầu lộ phải hỏi nhờ rửa chân.

Bà con phải tự đổ đất hầm là đất làm ruộng đem nung cho chắc, đi cho nhám”- rồi bà kể tiếp- “Giờ Nhà nước làm lộ, dân mình mừng dữ lắm! Ruộng vườn mình có đó, nhưng chết cũng đâu đem theo được. Nghĩ vậy nên Nhà nước cần bao nhiêu tui sẵn sàng hiến bấy nhiêu, đời mình có đường đẹp để đi, đời con cháu cũng được hưởng”.

Ông Hồ Văn Nữa- Bí thư Đảng ủy xã Trung Hiệp- cho biết: Toàn xã có 250 hộ gia đình chính sách, người có công.

Thời chiến, Trung Hiệp là vùng kiềm của địch do địa bàn gần huyện. Tuy nhiên, đảng bộ và nhân dân xã đều kiên trì chống trả quyết liệt; đồng thời, phát huy vai trò hậu phương giữ đất, giữ làng; vận động quyên góp tiền của cho tiền tuyến chiến đấu.

Với những đóng góp đó, năm 1996, xã vinh dự được công nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong xây dựng NTM, với sự gương mẫu, tích cực hưởng ứng của các hộ gia đình chính sách và người có công đã tạo bước đệm cho xã thực hiện tốt công tác huy động sức dân. Mới đây, xã được hội đồng thẩm định xét công nhận xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016- 2020.

Hiện, xã đang tiếp tục nâng chất thêm một số tiêu chí để nâng cao mức sống người dân nông thôn, xứng đáng là xã anh hùng đạt chuẩn NTM.

Thiết nghĩ, trong lúc nhiều địa phương còn “vướng” công tác giải phóng mặt bằng xây dựng cơ sở hạ tầng NTM, thì với sự gương mẫu, tích cực của các hộ gia đình chính sách và người có công trong hiến kế, hiến công, đóng góp tiền của, vật chất để chung tay cùng Nhà nước xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, đã tạo “cú hích” đột phá để người dân noi theo. Đây là việc làm rất đáng trân trọng và cần được nhân rộng trong thời gian tới.

Bên cạnh sự nêu gương, phát huy truyền thống của các xã anh hùng, nhiều địa phương khác cũng đang ra sức làm thay đổi diện mạo quê hương nhờ vào sự lãnh đạo đúng đắn của các cấp ủy Đảng, sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước và tiềm lực sẵn có của địa phương, trong đó có sự hưởng ứng tích cực của gia đình chính sách và người có công đã phát huy nghĩa cử cao đẹp sẵn sàng cống hiến cho cách mạng, chung tay xây dựng, điểm tô cho bức tranh nông thôn thêm sáng.

 

Đến nay, toàn tỉnh có 32 xã về đích NTM, trong đó có 17 xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Riêng huyện Vũng Liêm có 6 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 3 xã anh hùng là Trung Hiếu, Tân An Luông và Trung Hiệp. Dự kiến trong năm nay, xã anh hùng Trung An sẽ tiếp tục về đích NTM.

 

 

 

 

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN- XUÂN TƯƠI