Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố 6 Luật

Cập nhật, 14:48, Thứ Tư, 12/07/2017 (GMT+7)

Sáng 12/7, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố 6 Luật.

6 luật này gồm: Luật Quản lý ngoại thương; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Du lịch; Luật Thủy lợi; Luật Đường sắt. Đây là các Luật đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. 

* Bảo đảm hoạt động quản lý Nhà nước về ngoại thương Luật Quản lý ngoại thương gồm 8 chương, 113 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018. Luật chủ yếu điều chỉnh công tác quản lý Nhà nước về ngoại thương, bao gồm: các biện pháp quản lý, điều hành hoạt động ngoại thương có liên quan đến mua bán hàng hóa quốc tế; không điều chỉnh, can thiệp vào các hoạt động cụ thể của thương nhân, giữa các thương nhân với nhau; chỉ điều chỉnh đối tượng là hàng hóa, không điều chỉnh đối tượng dịch vụ. 

Lần đầu tiên, Luật khẳng định quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu của thương nhân chỉ bị hạn chế nếu thuộc các trường hợp mà Luật quy định biện pháp cấm, tạm ngừng hoặc hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu. Riêng đối tượng là thương nhân là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, thương nhân nước ngoài không có hiện diện ở Việt Nam, Luật quy định quyền, nghĩa vụ của các đối tượng này theo đúng cam kết trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Việc quy định quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu tại Luật là phù hợp với tinh thần Hiến pháp, phù hợp với tinh thần tiến bộ của Luật Đầu tư và Điều 7 Luật Doanh nghiệp. 

* Thiết lập đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Với 4 chương, 35 điều, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định về nguyên tắc, nội dung, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Luật áp dụng 3 tiêu chí lao động, doanh thu, nguồn vốn để xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Trong đó, số lao động tham gia bảo hiểm xã hội (không quá 200 người) là tiêu chí bắt buộc, được kết hợp với một trong hai tiêu chí là tổng nguồn vốn (không quá 100 tỷ đồng) hoặc tổng doanh thu của năm trước liền kề (không quá 300 tỷ đồng). Luật quy định việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận tín dụng; hỗ trợ thuế, kế toán; hỗ trợ mặt bằng sản xuất; hỗ trợ mở rộng thị trường; hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật và khu làm việc chung. Các nội dung hỗ trợ trọng tâm đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm: hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh; hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ tham gia cụm liên kết ngành. Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. 

* Thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ Luật Chuyển giao công nghệ gồm 60 điều, được bố cục thành 6 chương. Trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Chuyển giao công nghệ 2006, Luật sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Luật bổ sung cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; bổ sung, sửa đổi quy định về thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; bổ sung giải pháp phát triển thị trường khoa học và công nghệ; bổ sung quy định về chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp; sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về chuyển giao công nghệ. Luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2018. 

Chính phủ ban hành quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chuyển giao công nghệ bảo đảm các quy định này được thực hiện ngay khi Luật có hiệu lực, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật. 

* Hướng đến phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn Luật Du lịch gồm 9 chương, 78 điều, giảm 2 chương, 10 điều so với Luật Du lịch 2005 với nhiều nội dung được chỉnh sửa nhằm thúc đẩy du lịch phát triển; nâng cao chất lượng hoạt động du lịch; tạo điều kiện thuận lợi, môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp du lịch; tăng cường tính chuyên nghiệp của các hoạt động hướng dẫn; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách du lịch. 

Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Luật thể hiện quan điểm lấy khách du lịch làm trung tâm của mọi hoạt động du lịch. Bên cạnh trách nhiệm tuân thủ pháp luật Việt Nam, Luật quy định khách du lịch có nghĩa vụ ứng xử văn minh, tuân thủ pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi đến du lịch để giữ gìn hình ảnh quốc gia khi đi du lịch nước ngoài của công dân Việt Nam. 

Luật chú trọng hơn đến việc bảo đảm chất lượng dịch vụ du lịch thông qua việc quy định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa; chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh lữ hành bằng việc quy định trình độ chuyên môn của người phụ trách kinh doanh lữ hành, loại bỏ quy định doanh nghiệp kinh doanh lữ hành phải có hợp đồng lao động với 3 hướng dẫn viên có thẻ vì quy định này trên thực tế chỉ mang tính hình thức, số lượng hướng dẫn viên phụ thuộc vào thị trường, có tính mùa vụ. Luật điều chỉnh theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện để doanh nghiệp đăng ký và hoạt động kinh doanh. 

* Tạo động lực cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thủy lợi Luật Thủy lợi gồm 10 chương, 60 điều. Luật quy định chuyển từ ''phí'' sang ''giá'' sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Thực hiện cơ chế giá sẽ làm thay đổi nhận thức của xã hội, từ thủy lợi ''phục vụ'' sang thủy lợi ''dịch vụ'', gắn trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ thủy lợi và bên sử dụng dịch vụ thủy lợi; giúp người sử dụng dịch vụ thủy lợi hiểu rõ bản chất nước là hàng hóa, coi dịch vụ thủy lợi là chi phí đầu vào trong sản xuất, nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. 

Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi không phân biệt nguồn vốn đầu tư; kinh phí hỗ trợ được ngân sách Nhà nước bảo đảm; Chính phủ sẽ quy định cụ thể nhằm đảm bảo tính linh hoạt trong tổ chức thực hiện, bảo đảm ổn định trong phát triển sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân nông thôn. Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành Luật thủy lợi để xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cũng như triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến bảo đảm tính khả thi khi Luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2018. 

* Hướng tới sự phát triển ngành Đường sắt Việt Nam Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018, Luật Đường sắt gồm 10 chương, 87 điều, tăng 2 chương, giảm 27 điều so với Luật Đường sắt 2005, với đầy đủ các quy định điều chỉnh mọi hoạt động trong lĩnh vực đường sắt, có vai trò quan trọng và tác động rất lớn tới sự phát triển của ngành đường sắt nói riêng và kinh tế xã hội của Việt Nam nói chung. 

Chính sách phát triển đường sắt đã được Luật bổ sung quy định đầy đủ, chi tiết trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh đường sắt, công nghiệp đường sắt, phát triển đường sắt chuyên dùng. Đặc biệt, đối với chính sách ưu tiên phân bổ ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công để bảo đảm phát triển hạ tầng đường sắt quốc gia. Với những chính sách này nhằm định hướng và làm căn cứ cho Chính phủ ban hành các chính sách cụ thể trong từng giai đoạn phù hợp với thực tế phát triển trong hoạt động đường sắt. Đường sắt tốc độ cao là điểm mới của Luật. 

Trong đó, các nội dung chủ yếu liên quan đến đường sắt tốc độ cao bao gồm yêu cầu chung đối với đường sắt tốc độ cao, chính sách phát triển đường sắt tốc độ cao, yêu cầu về kết cấu hạ tầng đường sắt tốc độ cao, quản lý, khai thác, bảo trì, quản lý an toàn đường sắt tốc độ cao. Các nội dung này là cơ sở pháp lý đầu tiên cho hoạt động đầu tư đường sắt tốc độ cao của nước ta trong thời gian tới. 

Theo Phúc Hằng (TTXVN)