Trách nhiệm phản biện xã hội của báo chí

Cập nhật, 10:55, Thứ Tư, 21/06/2017 (GMT+7)

Hiện công chúng Việt Nam ngày càng được mở rộng không gian thông tin, có nhiều phương tiện để cập nhật, tiếp cận với mọi chuyển động của đời sống xã hội của đất nước và thế giới. Bên cạnh đó, công chúng có thể dễ dàng tương tác thông tin bằng các ý kiến, bình luận, góc nhìn và trở thành một phần quan trọng của dư luận.

Đại biểu Quốc hội - doanh nhân Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai): 

Báo chí ngày càng khẳng định bản lĩnh phản biện

Trong bối cảnh báo chí Việt Nam ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong sự phát triển của xã hội, vươn lên bằng chất lượng của từng trang tin, bài báo để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả. Đặc biệt, bên cạnh nhiệm vụ là kênh chủ lực trong việc chuyển tải những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân, báo chí chính thống đã thể hiện rõ bản lĩnh trong phản biện xã hội. 

Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng.
Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng.


Trong thời gian qua, bằng góc nhìn độc lập, tranh luận có tình có lý, khoa học và giàu tinh thần xây dựng, báo chí chính thống đã phản biện nhiều vấn đề nóng bỏng mà dư luận xã hội quan tâm, thông qua đó góp phần giúp các cơ quan chức năng hoàn thiện thể chế, chính sách, điều hành, nhằm bảo đảm môi trường phát triển thuận lợi cho doanh nghiệp và cải thiện cuộc sống của người dân tốt hơn. 

 

Có thể nói, bản lĩnh phản biện và sự dũng cảm, trí tuệ của đội ngũ nhà báo chân chính càng trở nên ý nghĩa và cần thiết hơn khi đất nước ta đang đối diện với những thách thức cam go từ biển, từ trời, từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và từ chính những thách thức nội tại trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế... Trong thời gian qua, không ít lần chúng ta bắt gặp những thông tin trái chiều, gây bất lợi cho đất nước, ảnh hưởng đến cộng đồng doanh nghiệp và đời sống của từng người dân nhưng với sự nhanh nhạy trong nắm bắt thông tin, tính chính xác trong nhìn nhận và phân tích sự kiện, báo chí đã mạnh mẽ phản biện và phản hồi dư luận một cách khách quan và trung thực, qua đó giúp công chúng nhìn nhận đúng tính chất của thông tin, sự việc. 

 

Với sự nỗ lực không ngừng của báo chí, xã hội đã nhận ra ở đó cách nhìn thẳng vào sự thật và dám nói lên sự thật, phản ánh đúng ý chí và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, từ đó, tạo ra một áp lực của dư luận xã hội đấu tranh chống lại những tiêu cực, những trì trệ, thoái hóa, biến chất đang kìm hãm sự phát triển của đất nước.

 

Là một bạn đọc và là một Đại biểu Quốc hội - doanh nhân, thông tin từ báo chí, nhất là các thông tin mang tính dự báo, phản biện là những chất liệu cần thiết và quý giá để tôi có thể hoàn thành tốt các vai trò của mình. Nhân ngày 21/6, xin cảm ơn tâm huyết, tấm lòng và tinh thần trách nhiệm mà báo giới đã gửi gắm vào từng bài báo để từ những thông tin, câu chữ đầy giá trị của mình góp phần tạo chuyển biến xã hội tích cực. 

 

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội): 

Chính xác, có tinh thần trách nhiệm

 

Người làm báo được coi là chiến sĩ trên mặt trận đấu tranh chống tiêu cực, chống sai trái, vi phạm pháp luật. Thời gian qua, báo chí đã khẳng định được vị trí, vai trò trong việc phát hiện hành vi vi phạm, những tội phạm về tham nhũng... Nhờ báo chí mà chúng ta đã phanh phui được tổ chức, cá nhân vi phạm.

 

Tuy nhiên, với những thông tin chưa thực sự chuẩn xác thì báo chí cần có thái độ cương quyết với các cá nhân đưa tin sai, có thể làm ảnh hưởng đến lợi ích của cá nhân, đơn vị, cơ quan và rộng hơn là lợi ích quốc gia và nhân dân. Báo chí phải thận trọng khi quyết định thông tin đưa ra, đảm bảo tính chính xác và có tính chất xây dựng.

 

Việc một số báo chí đăng thông tin sai có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Khách quan có thể là lực lượng báo chí chưa đủ dày để xác minh thông tin chuẩn xác hay không. Chủ quan có thể do lực lượng chưa chuyên nghiệp, thiếu trình độ để đánh giá và có thể có một số thiếu trách nhiệm, chạy theo thông tin sẵn có, vì lí do nào đó mà hùa theo thông tin sai sự thật.

 

Để hạn chế tình trạng này, người đứng đầu cơ quan báo chí phải quán triệt đội ngũ phóng viên đảm bảo tính chính xác của thông tin. Thứ hai là phải có tinh thần trách nhiệm, vì lợi ích lớn của đất nước, nhân dân chứ không vì lợi ích nhỏ. Khi phải cân nhắc giữa lợi ích lớn và lợi ích nhỏ thì phải bảo vệ lợi ích lớn hơn. Thứ ba, tăng cường chuyên môn nghiệp vụ cho phóng viên để đủ khả năng phân tích đánh giá thông tin.

 

Đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương): 

Công tâm khi đưa tin

Báo chí theo dõi dòng thời sự rất nhanh nhạy kịp thời và có chiều sâu. Đội ngũ báo chí đóng vai trò quan trọng trong nhìn nhận, phản ánh xã hội đúng với thực chất nó đang diễn ra. Cho nên mọi người hiểu đúng sự thật cũng nhờ báo chí.

Đại biểu Vũ Trọng Kim
Đại biểu Vũ Trọng Kim

Trách nhiệm đó đã được quy định trong luật pháp. Tới đây, không ai hạn chế trách nhiệm của báo chí trong phản biện xã hội. Đây là kênh thông tin rất quan trọng. Nhờ khả năng nghiệp vụ khác với những người bình thường mà phóng viên phản ánh được nhiều chuyện để dư luận theo dõi. Báo chí không áp đặt một vấn đề gì mà đưa tin 2 chiều, phản biện để đưa vấn đề đúng sự thật. Nếu “lái” vấn đề ra khỏi sự thật thì báo chí phải chịu trách nhiệm. Tính phản biện của báo chí sẽ làm lành mạnh các quan hệ xã hội.

 

Hiện thông tin quá nhiều, nhiều thông tin phiến diện. Báo chí giúp người ta nhìn nhận vấn đề đầy đủ, đúng sự thật, khách quan.

 

Nghề nghiệp báo chí phải thâm nhập thực tế cuộc sống. Sự vật hiện tượng đó diễn ra ở đâu, chính mình phải mắt thấy tai nghe và phải thẩm định. Tới khi thấy đầy đủ chính xác rồi mới đặt bút viết. Đừng thông qua người này, người khác, làm kiểu hành chính mà quan liêu, xa rời thực tế, không lần này thì lần khác sẽ mắc lỗi. Làm mất đi uy tín cá nhân nhà báo và tờ báo. Cho nên người làm báo cần công tâm. Muốn công tâm phải có phương pháp tốt, phương pháp đó chính là tiếp cận thực tế bằng mắt thấy tai nghe.

Theo Viết Tôn-Nam Hoàng(Báo Tin Tức)