Đấu tranh trên "mặt trận văn hóa- tư tưởng" và trách nhiệm của người làm báo hiện nay

Cập nhật, 09:22, Thứ Tư, 21/06/2017 (GMT+7)

 

   Các thế hệ làm báo Cửu Long- báo Vĩnh Long trong buổi họp mặt kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Vĩnh Long.  Ảnh: NGUYỄN THỊNH
Các thế hệ làm báo Cửu Long- báo Vĩnh Long trong buổi họp mặt kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: NGUYỄN THỊNH

Nhân kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tôi xin có vài cảm nghĩ về báo chí cách mạng nói chung và báo chí của tỉnh nhà trong thời gian qua.

Nhằm đáp ứng yêu cầu công tác thông tin, tuyên truyền kịp thời, sát với tình hình, nhiệm vụ của địa phương, ngoài báo chí ở trung ương, Đảng bộ và chính quyền địa phương các cấp đều tổ chức thành lập hệ thống truyền thanh, báo địa phương.

Cụ thể như ở tỉnh ta có tờ báo Vĩnh Long; Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long vừa là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, chính quyền địa phương vừa là tiếng nói của nhân dân trong tỉnh. Ở cấp huyện, có đài truyền thanh, tờ tin của huyện và mỗi xã đều có đài truyền thanh của xã.

Với hệ thống truyền thông như vậy đã góp phần đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân một cách kịp thời, rộng rãi đồng thời phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội, làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân.

Báo chí trong tỉnh cũng đã phát hiện nêu gương người tốt, việc tốt, những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong các phong trào bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội, phong trào lao động sản xuất, học tập của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong tỉnh;

đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, xây dựng tỉnh nhà ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Đội ngũ làm báo tỉnh nhà ngày càng phát triển cả về trình độ chính trị, chuyên môn- nghiệp vụ, cả về tinh thần trách nhiệm của người làm báo cách mạng trước Đảng, trước công chúng.

Tờ báo Vĩnh Long, Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long là 2 cơ quan báo chí của tỉnh vừa đáp ứng nhu cầu thông tin vừa là cầu nối giữa nhân dân với Đảng bộ địa phương, đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân đồng thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đấu tranh vì quyền lợi bức xúc của nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân phát huy quyền tự do, dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân lao động.

Với nhiệm vụ được giao, báo chí tỉnh nhà đã làm tốt chức năng thông tin, tuyên truyền, định hướng, giáo dục chính trị, tư tưởng. Chính những thông tin kịp thời, chính xác là nhân tố tác động trực tiếp đến dư luận đúng đắn của xã hội.

Tuy nhiên, báo chí nói chung và báo chí tỉnh nhà cần đặt mạnh vấn đề đấu tranh với những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của bọn xấu và bọn phản động về chế độ Xã hội chủ nghĩa, về vai trò lãnh đạo của Đảng, về cá nhân của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước trên mạng thông tin xã hội, thể hiện vai trò, chức năng, nhiệm vụ của báo chí cách mạng là vũ khí sắc bén đấu tranh trên mặt trận văn hóa- tư tưởng như Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở đội ngũ làm báo cách mạng chúng ta.

Báo chí cách mạng là bộ phận quan trọng trong công tác tuyên truyền của Đảng vì vậy có nhiệm vụ phản tuyên truyền của bọn xấu và bọn phản động đã và đang đánh phá Đảng ta trên nhiều mặt: chính trị, văn hóa- tư tưởng, kinh tế- xã hội, ngoại giao… gây chia rẽ nội bộ Đảng, chia rẽ giữa Đảng với nhân dân, chia rẽ tôn giáo, dân tộc, chia rẽ Bắc- Nam…làm cho nhân dân không phân biệt giữa cái đúng và cái sai, giữa thật và giả làm lẫn lộn trắng đen với mục đích là làm mất đoàn kết nội bộ, mất lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Các nhà báo được xem là những chiến sĩ xung kích trên “mặt trận” văn hóa- tư tưởng.

Báo, đài là phương tiện thông tin đại chúng chuyển tải thông tin một cách nhanh nhạy, rộng rãi nhất đến mọi đối tượng, mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, cần phải nhận thức đầy đủ trách nhiệm xã hội của mình, nhạy bén, kịp thời đấu tranh chống lại những luận điệu xằng bậy, xuyên tạc, phản động trên mạng xã hội hoặc trên các kênh thông tin mà bọn chúng đang lợi dụng trên báo, đài phát thanh, truyền hình từ nước ngoài với chiêu bài “tự do ngôn luận”.

Chúng ta không thể có quan niệm sai lầm cho rằng: chúng nói sàm, nói bậy… không ai tin mà xem thường, buông lỏng trên “mặt trận tư tưởng- văn hóa” bởi những vấn đề chúng nêu đều phản ánh những vấn đề bức xúc, nhạy cảm hiện nay, nếu không kịp thời có những thông tin chính thống, những lý giải để hướng người nghe, người đọc hiểu đầy đủ, hiểu đúng sự thật sẽ trở thành dư luận không lành mạnh một cách nhanh chóng, rộng rãi trong ngoài nước.

Những sự kiện xảy ra trong cuộc sống hàng ngày nếu như báo chí của Đảng không có những thông tin đúng đắn, kịp thời thì lập tức có nhiều thông tin không chính xác lan truyền, thường gọi là “tin đồn”, thậm chí có những thông tin sai lệch, xuyên tạc của bọn xấu.

Báo chí của ta có trách nhiệm làm đúng, làm rõ sự thật, không giấu giếm, bưng bít, dù đó là những sai lầm, khuyết điểm trong sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.

Chúng ta không sợ nói ra những sai lầm, vấp váp mà chỉ sợ không nhìn thẳng vào sự thật, không khắc phục, sửa chữa. Báo chí nên góp phần làm cho nhân dân hiểu đúng, hiểu đầy đủ một cách kịp thời không để cho bọn xấu, bọn phản động lợi dụng xuyên tạc, góp phần tạo lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Trong lịch sử lãnh đạo của Đảng ta không phải không có những sai lầm, vấp váp, nhưng vì Đảng ta biết kịp thời uốn nắn, sửa sai, biết đổi mới sự lãnh đạo nên đã tạo được niềm tin của nhân dân, như có một lần tôi đã nêu trong bài báo trước: chính lòng tin của nhân dân là sức mạnh vượt qua mọi khó khăn, thử thách để Đảng ta làm nên chiến thắng vĩ đại trong sự nghiệp lãnh đạo nhân dân chống giặc ngoại xâm, giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

NGUYỄN THANH HÙNG