ĐẾN NĂM 2020

Phấn đấu TP Vĩnh Long đạt đô thị loại II, TX Bình Minh đô thị loại III

Cập nhật, 15:09, Thứ Tư, 03/05/2017 (GMT+7)

Tỉnh Vĩnh Long khi chính thức đi vào hoạt động ngày 5/5/1992 có 7 huyện- thị gồm: Long Hồ, Mang Thít, Vũng Liêm, Tam Bình, Bình Minh, Trà Ôn và TX Vĩnh Long.

Qua 25 năm xây dựng và phát triển, TX Vĩnh Long được nâng lên thành TP Vĩnh Long và huyện Bình Minh trở thành TX Bình Minh. Nhân dịp kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh, phóng viên ghi nhận ý kiến của đồng chí Bí thư Thành ủy Vĩnh Long và Bí thư Thị ủy Bình Minh về những thành tựu đạt được.

Đồng chí Hồ Văn Huân- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vĩnh Long

TP Vĩnh Long là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của tỉnh. Qua 25 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ và nhân dân TP Vĩnh Long đã không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, đoàn kết, phát huy tối đa mọi nguồn lực, đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Với chủ trương “phát triển kinh tế là trọng tâm”, Đảng bộ TP Vĩnh Long đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại dịch vụ- công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ngày càng tăng, năm 1992 là 185 tỷ đồng, đến cuối năm 2016 đạt 10.603,6 tỷ đồng; tốc độ tăng của năm 2016 so năm 1992 là 5.728,3%.

Ngoài hệ thống chợ truyền thống, hiện nay trên địa bàn còn có các siêu thị hiện đại, góp phần lớn vào tổng mức doanh thu dịch vụ chung của thành phố.

Tổng mức giá trị sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp của năm 2016 là 3.831,9 tỷ đồng, trong khi đó năm 1992 chỉ có 180,7 tỷ đồng, tốc độ tăng của năm 2016 so năm 1992 là 2.120,36%.

Nông nghiệp của thành phố chuyển dần từ sản xuất thủ công lạc hậu, trồng lúa là chính, sang hướng đưa cây màu xuống ruộng, phát triển nông nghiệp đô thị, nâng cao năng suất, giá trị kinh tế.

Giai đoạn 2010- 2015, thành phố đã thu hút gần 6.200 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng đô thị. Bộ mặt thành phố có những thay đổi rõ nét, khu vực 4 xã vùng ven đang chuẩn bị trở thành phường, hệ thống giao thông được thông suốt, nhiều tuyến đường liên ấp, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; nhiều tuyến đường trong nội ô thành phố được đầu tư xây dựng mới... đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, thương mại dịch vụ đi theo. Các chính sách an sinh xã hội cũng được quan tâm, đến nay, thành phố còn 673 hộ nghèo (1,69%) và 717 hộ cận nghèo.

Theo đó, ngày 17/7/2007, TX Vĩnh Long đã được công nhận là đô thị loại III. Đến ngày 10/4/2009, Chính phủ có Nghị định số 16 nâng cấp TX Vĩnh Long thành TP Vĩnh Long. Đây cũng chính là thành tựu mà bản thân tâm đắc nhất trong quá trình xây dựng và phát triển của thành phố 25 năm qua.

Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Vĩnh Long lần thứ XI nhiệm kỳ 2015- 2020 đã xác định phương hướng mục tiêu chung của thành phố là phải tạo nền tảng để đạt đô thị loại II trước năm 2020.

Theo đó, TP Vĩnh Long đã đưa ra 3 khâu đột phá: là đào tạo và sử dụng tốt nguồn nhân lực phù hợp với TP Vĩnh Long với mục tiêu lâu dài; thu hút vốn đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội đạt tiêu chí đô thị loại II; ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch và vui chơi giải trí theo mô hình du lịch sinh thái của đô thị.

Nếu được, TP Vĩnh Long cũng mạnh dạn đề xuất tỉnh cho phép có cơ chế đặc thù trong quản lý nhà nước, hình thành chính quyền đô thị để thành phố tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các khâu quản lý nguồn lực đầu tư, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, quản lý đầu tư xây dựng, quản lý đất đai…

Đồng chí Nguyễn Hiếu Nghĩa- Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Bình Minh

25 năm qua, Đảng bộ và nhân dân TX Bình Minh đã tích cực phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị.

Về kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp là chủ yếu sang sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, thương mại- dịch vụ.

Khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh về kinh tế tại địa phương, xóa bỏ thế độc canh cây lúa, giảm được hộ thuần nông, tăng dần tỷ lệ lao động phi nông nghiệp. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, hình thành khu công nghiệp công nghệ cao và một số cụm nghề tiểu thủ công nghiệp, cơ sở thương mại- dịch vụ phát triển nhanh, giải quyết được nhiều việc làm.

Kết quả, tăng thu nhập bình quân đầu người từ 2 triệu (năm 1990) lên 36,8 triệu đồng (năm 2016); kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm là 2,53%, đến cuối năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo của thị xã còn 4,5%, hộ cận nghèo còn 6,17%.

Thực hiện phong trào xây dựng xã văn hóa nông thôn mới và xây dựng đô thị văn minh đi vào chiều sâu. Tính đến nay, đã có 2 xã được công nhận, 3 xã nữa cũng đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí, phấn đấu đến cuối năm 2017 TX Bình Minh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới cấp huyện.

Từ kết quả đạt được, ngày 8/2/2013, UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức lễ công bố Nghị quyết số 89 của Chính phủ về việc thành lập TX Bình Minh và đón nhận Huân chương Lao động hạng ba của Chủ tịch nước phong tặng cho Đảng bộ và nhân dân TX Bình Minh.

Trong những thành tựu đạt được, tôi tâm đắc nhất là sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, đã phát huy được lợi thế, tiềm năng của thị xã giúp tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Ngoài ra, sự đoàn kết thống nhất trong đảng bộ và nhân dân đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ trong 25 năm qua.

Thời gian tới, Đảng bộ xác định đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng “Công nghiệp- xây dựng, thương mại- dịch vụ và nông nghiệp chất lượng cao”; trong đó mục tiêu trước mắt, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới cấp huyện vào cuối năm 2017; nâng cấp, phát triển TX Bình Minh đạt tiêu chí đô thị loại III vào năm 2020.

Mục tiêu lâu dài, tập trung đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội đồng bộ, phát triển theo hướng “đô thị sinh thái, văn minh, hiện đại và phát triển bền vững”.

THANH TÂM (ghi)