"Phải phát hiện được dù nhân tài ở bìa rừng, góc núi"

Cập nhật, 05:03, Thứ Sáu, 27/01/2017 (GMT+7)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong hội nghị tổng kết năm học 2015- 2016, đã nhấn mạnh: “Nhân tài nằm ở bìa rừng, góc núi, đó có thể là các em học sinh nơi miền núi hải đảo, đó là các giáo viên với những sáng tạo đổi mới trong dạy và học, đó có thể là các chuyên gia, những giảng viên đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài…Nhiệm vụ của ngành giáo dục là phải phát hiện được”.

Chỉ đạo của Thủ tướng đã làm nức lòng những người trẻ hôm nay, đồng thời, gợi ra những hướng đi cho tương lai...

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu và tham quan trong lần thăm Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2016.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu

và tham quan trong lần thăm Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2016.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngoài việc đánh giá cao nỗ lực của ngành giáo dục trong năm học qua, còn nhấn mạnh: Cần quan tâm chất lượng đào tạo, tay nghề thực tế, khẳng định “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” qua việc tìm việc làm và tạo dựng sự nghiệp cho thế hệ trẻ.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục cần đặc biệt chú trọng công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài để trước tiên ngành giáo dục phải có nhiều thầy giỏi, nhiều trò giỏi. Việt Nam ta có thêm nhiều người hiền tài để làm rạng danh và sẵn sàng phục vụ đất nước.

Đồng thời, thông điệp Thủ tướng gửi đi, đó là: “Nhân tài dù nằm ở bìa rừng, góc núi,... thì nhiệm vụ của ngành giáo dục là phải phát hiện được”.

Từ việc phát hiện nhân tài đến đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng “đặt để” nhân tài đúng nơi, đúng chỗ cũng còn là một chặng đường dài.

Nói về vấn đề này, ông Trương Quang Phú- nguyên Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng, muốn thu hút nhân tài cần nhiều yếu tố, điều kiện, trong đó có sự nhìn nhận của xã hội, lãnh đạo, cơ quan đơn vị: “Hầu hết nhân tài đều mong muốn năng lực của họ được đánh giá đúng, sử dụng đúng sở trường mà họ có, cái đã được đào tạo, trí tuệ cần sử dụng đúng mục đích…”

Cũng theo ông Trương Quang Phú, hiện nay ở nhiều địa phương chứ không riêng gì Vĩnh Long, điều kiện để thu hút nhân tài đang thiếu nên rất cần có sự đột phá để phát hiện và thu hút, phát huy năng lực của nhân tài. Cụ thể, theo ông, thiếu về môi trường phát triển tức là thiếu điều kiện nghiên cứu, ứng dụng, không có điều kiện thi thố tài năng…

Hoặc thậm chí có trường hợp là bố trí việc làm sai với sở trường, kiến thức được đào tạo, tính cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí là có cái nhìn thiển cận đối với người tài. “Như thế rõ ràng, nhân tài có nhưng việc có thu hút, tận dụng được nguồn tài nguyên chất xám của họ hay không đang là vấn đề đáng quan tâm”- ông nói.

Chỉ rõ khó khăn, ông Trương Quang Phú đề xuất cần có cơ chế, chính sách riêng cho người mà ta đã xác định là nhân tài. Đồng thời cần thay đổi tư tưởng sử dụng người tài, cần khách quan đánh giá và nhìn nhận một cách công bằng trí tuệ của họ, nhất là trong đội ngũ lãnh đạo, quản lý, như Bác Hồ cũng từng nói, sử dụng người tài phải bố trí đúng nơi, đúng chỗ, “dụng nhân như dụng mộc” là vậy.

Ông Hà Văn Sơn- Chủ tịch Hội Liên hiệp Khoa học kỹ thuật Vĩnh Long cũng cho rằng, hiện nay không thiếu những người tài. Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, Vĩnh Long đang duy trì 2 cuộc thi lớn là “Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng” và “Sáng tạo kỹ thuật Trần Đại Nghĩa”, thu hút hàng ngàn người tham gia.

Đã có nhiều ứng dụng, sáng kiến cải tiến kỹ thuật làm lợi cho kinh tế, xã hội tỉnh nhà. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa những tài năng đó, theo ông Hà Văn Sơn, vẫn còn nhiều việc phải làm và cần có sự thay đổi lớn trong chính sách, cơ chế.

“Cần có sự thay đổi ở góc độ vĩ mô, kinh tế phát triển với nhiều doanh nghiệp mạnh, con người cần có trình độ cao và tư duy chiến lược… để nhân tài được phát hiện và vun bồi. Cũng như cần có những cơ chế, chính sách phù hợp để không còn cảnh chảy chất xám như hiện nay. Chúng ta cần làm thế nào để xã hội đi tìm nhân tài, tận dụng họ chứ không để nhân tài lại phải đi tìm nơi để mình cống hiến. Như thế rất dễ đánh mất người có tài năng”.

Phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng người tài có thể nói chưa bao giờ cần thiết hơn lúc này, trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, thời kỳ hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước.

Đúng như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc nhở: “Muốn xây dựng đất nước bền vững phải lấy giáo dục làm đầu, phải lấy nhân tài làm gốc và mong muốn tất cả chúng ta cùng nhau hành động vì mục tiêu cao đẹp đó”.

 

 

"Cần tạo mọi điều kiện để cá nhân có năng lực phát huy”- đó là mong muốn của sinh viên năm 3 Lạc Lê Tuấn Anh- Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long. Tuấn Anh cho rằng, nếu không có đủ điều kiện để phát huy năng lực, nhiều bạn, nhất là sinh viên mới ra trường khó có thể “giữ lửa” nhiệt huyết, niềm đam mê cũng như khát khao cống hiến, vô tình làm “chai sạn năng lực, kỹ năng đã trau dồi ở trường học”.

 

 

Em Phạm Thị Diễm My- sinh viên năm 3 Trường CĐ Kinh tế- Tài chính: “Cần có sự công bằng trong thi tuyển đầu vào ở các nhà tuyển dụng, đơn vị. Vì chỉ có sự công bằng mới đánh giá được năng lực thật sự của mỗi sinh viên mới ra trường”. Diễm My cũng cho rằng, ngoài những kiến thức trong trường, mỗi sinh viên cần tự tích lũy cho mình kỹ năng sống, khả năng giao tiếp. Theo em, nếu đã gọi là tích lũy “thì cần có sự công bằng trong tuyển dụng để chúng em phát huy cái mình đã có trong tay”.

 

Bài, ảnh: KHÁNH DUY