Nhớ Fidel Castro và những mẩu chuyện nhỏ quanh chuyến thăm Quảng Trị năm 1973

Cập nhật, 07:08, Thứ Ba, 29/11/2016 (GMT+7)

10 giờ 39 phút ngày 25/11/2016 (giờ Việt Nam), nhà chỉ huy và lãnh đạo của Cách mạng Cuba Fidel Castro qua đời, “… Đảng Cộng sản, Nhà nước và nhân dân Việt Nam mất đi một người đồng chí, anh em chiến đấu thân thiết và quý mến…”(trích điện chia buồn đến Cuba của Đảng và Nhà nước Việt Nam).

Chủ tịch Fidel Castro: “Các đồng chí hãy mang lá cờ bách chiến, bách thắng này cắm tại Sài Gòn”.
Chủ tịch Fidel Castro: “Các đồng chí hãy mang lá cờ bách chiến, bách thắng này cắm tại Sài Gòn”.

Từ năm 1959 đến năm 2007, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đến thăm Việt Nam 3 lần, nhưng chuyến thăm tuyến lửa Quảng Trị vào tháng 9/1973 cách nay 43 năm gây ấn tượng nhiều nhất, thể hiện tình cảm đặc biệt không chỉ của riêng ông mà của cả đất nước Cuba đối với Việt Nam, như câu nói của ông tại đây: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình!”

Fidel Castro cũng là lãnh tụ duy nhất của một nước đến thăm một vùng giải phóng ở miền Nam Việt Nam đang lúc nhân dân ta đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Nhớ về ông, xin ghi lại những chuyện nhỏ quanh chuyến viếng thăm này...

Cuộc nghi binh ngoạn mục

Ngày 15/9/1973, Chủ tịch Cuba Fidel Castro bắt đầu chuyến thăm lần thứ 3 đến Việt Nam.

Trong chuyến viếng thăm này, 2 bên dự kiến sau các cuộc làm việc của lãnh đạo cấp cao trong Đảng và Nhà nước sẽ cùng ký kết một số văn kiện, đoàn sẽ thăm TP Hải Phòng và một vùng giải phóng của ta ở tuyến lửa Quảng Trị.

Quyết tâm vào Quảng Trị của Chủ tịch Fidel rất rõ ràng khi ông nói với Đại sứ Cuba tại Việt Nam lúc đó là R.W. Vivo: “Trong mọi trường hợp, nếu khó khăn chúng ta vẫn phải đi, dù phải đi bộ…”. Trước quyết tâm của ông và vì lý do thời gian, phía Việt Nam đề nghị khách hoãn chuyến đi Hải Phòng để tập trung cho chuyến đi thăm Quảng Trị.

Một nước Cuba xã hội chủ nghĩa từ lâu là cái gai trong mắt của đế quốc Mỹ, nên Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã là mục tiêu ám sát của các thế lực thù địch không phải vài lần mà có đến 638 cuộc ám sát bất thành trong nhiều năm qua.

Vì vậy, để đảm bảo chuyến đi thành công và an toàn, lực lượng bảo vệ đoàn phải làm một cuộc nghi binh lớn để đánh lạc hướng các tình báo nước ngoài và bọn phản động: một động tác giả được tung ra là cả TP Hải Phòng tưng bừng chuẩn bị đón rước Fidel như kế hoạch ban đầu, các báo đài đồng loạt đưa tin đoàn Cuba đang làm việc ở Hà Nội.

Cùng lúc đó, một bộ phận công an vũ trang của Trung đoàn 600 vào thẳng Quảng Trị để chuẩn bị việc tiếp đón đoàn.

Sáng 16/9, đoàn đi thăm Quảng Trị do Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Fidel Castro dẫn đầu đáp máy bay từ sân bay Gia Lâm vào TX Đồng Hới (Quảng Bình), từ đó đoàn dùng ôtô vào Quảng Trị.

Chiếc chuyên cơ bí mật

Để chuyến đi của Chủ tịch Fidel Castro thuận lợi, Chính phủ chỉ định Trung đoàn Không quân 919 thực hiện các chuyến bay đưa đón đoàn theo yêu cầu tuyệt đối an toàn và bí mật.

Đại tá Hồ Văn A- nguyên cán bộ thông tin trong tổ bay kể: Tháng 9/1973, trung đoàn nhận lệnh đưa máy bay AN 24 mang số hiệu 1094 trở thành chuyên cơ đưa đón đoàn khách, máy bay này trước đó được sơ tán ở sân bay Tường Lâm (Trung Quốc) đã được kiểm tra kỹ an ninh và các thông số kỹ thuật đảm bảo an toàn cho các chuyến bay.

Tổ bay đặc biệt cũng được thành lập gồm 7 người do sĩ quan Nguyễn Văn Oanh làm cơ trưởng.

Cái khó của tổ bay lần đó là sân bay Đồng Hới- nơi đoàn sẽ đến còn là một sân bay dã chiến có đường bay ngắn và gần như không có thiết bị dẫn đường; các chuyến bay lên xuống sân, các phi công phải dùng mắt thường và kinh nghiệm để điều khiển máy bay. Hôm đó trời rất đẹp, máy bay chỉ cần 1 giờ bay là đến nơi an toàn, sau đó máy bay được đưa đi cất giấu để phục vụ cho chuyến bay ra Hà Nội.

Hạnh phúc cho tổ bay là khi máy bay trở ra Hà Nội, chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra tận sân bay Gia Lâm đón đoàn, đã nhiệt liệt khen toàn tổ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Niềm tin toàn thắng của Chủ tịch Fidel Castro

Tại Quảng Trị, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cùng Chủ tịch Fidel Castro đi bộ khoảng 2 cây số giữa dòng người nồng nhiệt đón đoàn trên đường 9- TX Đông Hà giải phóng. 2 bên đường lúc đó còn lúc nhúc xác xe tăng và pháo hạng nặng được mệnh danh “vua chiến trường” của quân Mỹ khi rút chạy bỏ lại.

Chiều hôm đó, Chủ tịch Fidel tham dự buổi mít tinh trên cao điểm 241 Tân Lâm- đây vốn là một căn cứ quân sự lớn của Mỹ được ta giải phóng từ năm 1972. Sau bài phát biểu hùng hồn của ông, đồng chí Đồng Ngọc Vân- Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn Vinh Quang (tức Sư 304) thay mặt cán bộ, chiến sĩ của sư đoàn tặng Chủ tịch Fidel Castro lá cờ truyền thống vinh quang của sư đoàn.

Chủ tịch Fidel Castro hãnh diện đón lấy rồi phất cao lá cờ trong tiếng tung hô vang dội của đồng bào và cán bộ, chiến sĩ dự buổi mít tinh. Fidel nói to: “Các đồng chí hãy mang lá cờ bách chiến bách thắng này cắm tại Sài Gòn”, “Hẹn gặp nhau tại Sài Gòn sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng”.

19 tháng sau, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (tháng 4/1975), Sư đoàn Vinh Quang đã thực hiện được niềm tin toàn thắng của Chủ tịch Fidel Castro: cắm lá cờ giải phóng trên nóc dinh Độc Lập, sào huyệt cuối cùng của chính quyền Sài Gòn.

Đứa “con nuôi” và tấm danh thiếp quý giá của Chủ tịch Fidel Castro

Từ TX Đồng Hới vào Quảng Trị đoàn phải dùng ôtô, khi đoàn xe ra khỏi thị xã khoảng 20km thì Chủ tịch Fidel bỗng đề nghị xe chở ông dừng lại khi thấy một số người đang cáng một người bị thương bên đường.

Đó là cô Nguyễn Thị Hương (17 tuổi, quê ở Vĩnh Thạnh- Vĩnh Linh) bị thương do bom bi nổ khi cô cùng các đoàn viên của xã đi dọn đường đón đoàn xe đi qua. Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Fidel Castro rất xúc động xuống xe thăm hỏi người bị thương và chỉ đạo đoàn chiết ra một chiếc xe đưa Hương khẩn cấp về Vĩnh Linh cứu chữa.

Nhờ được cấp cứu kịp thời nên dù bị thương rất nặng cô đã được cứu sống. Sau đó, khi về nước dù bận nhiều công việc, Chủ tịch Fidel cũng không quên trường hợp của Hương, nhiều lần khi có các đoàn sang Việt Nam, ông đều gửi cho Hương các loại thuốc để cô bồi dưỡng sức khỏe.

Sự ân cần này của Chủ tịch Fidel đã làm nhiều người biết chuyện xúc động, họ truyền miệng nhau đồng chí Fidel đã coi Hương là “con nuôi”. Sau này, khi được các nhà báo hỏi về vấn đề trên, chị Hương thật thà cho biết: Do cảm động trước việc làm của Chủ tịch Fidel Castro khi chị bị thương, chị có nói với mọi người chị rất kính mến Chủ tịch Fidel và coi ông như “người tái sinh ra chị” nên có sự hiểu lầm như thế!

Cũng trong chuyến đi này, Chủ tịch Fidel đã đề nghị Nhà nước Cuba tặng cho Đồng Hới một bệnh viện và chỉ 1 tháng sau đó ý kiến này được thực hiện.

Trong chuyến thăm Quảng Trị, đoàn có lần phải ăn tối và nghỉ đêm tại Đồng Hới. Ông Nguyễn Thanh Đàm (ở xã Đức Ninh, Đồng Hới- Quảng Bình)- nguyên Chủ nhiệm Giao tế chuyên gia ở Quảng Bình kể lại:

Sau chiến tranh phá hoại của Mỹ, gần như không còn ngôi nhà nào còn nguyên vẹn ở Đồng Hới, nên điểm đón đoàn ăn nghỉ đêm được bố trí tại một vị trí cách thị xã 2km. Lúc đó, điều ông lo lắng nhất là làm thế nào để cho Chủ tịch Fidel Castro được ngủ ngon giấc, bởi không có chiếc giường nào đẹp lại vừa với khổ người của ông.

Cuối cùng, ông phải huy động 5 người thợ giỏi để trong 1 ngày đóng cho xong chiếc giường ngoại cỡ có chiều dài 2,3m ngang 1,6m bố trí trong phòng ngủ của ông. Đêm đó, Chủ tịch Fidel ngủ không ngon giấc và thức dậy rất sớm rồi tập thể dục đi quanh cơ quan. Khi chia tay, ông ân cần từ giã mọi người phục vụ.

Với một gói xì gà còn nguyên và một tấm danh thiếp nhỏ được chuẩn bị sẵn trong bao thư, ông vỗ vai ông Đàm rồi nói: “Cám ơn đồng chí, cầm tấm thiếp này trong tay, sang Cuba đi đến đâu đồng chí cũng được chào đón”. Đến nay, ông Đàm vẫn còn giữ kỷ vật quý giá này.

HỒNG VÂN- tổng hợp