Cần có dự báo về biến đổi khí hậu

Cập nhật, 13:46, Thứ Sáu, 05/08/2016 (GMT+7)

Trong phiên thảo luận và chất vấn tại hội trường của kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh khóa IX, vấn đề các đại biểu quan tâm đề nghị là tỉnh cần có giải pháp ứng phó với hạn mặn, tình hình xây dựng các công trình thủy lợi, giao thông, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm…

Đại biểu tham gia chất vấn tại hội trường.
Đại biểu tham gia chất vấn tại hội trường.

Cần có dự báo và thông tin nhanh về biến đổi khí hậu

Vấn đề biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, hạn hán kéo dài làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu đề nghị các cơ quan chức năng cần dự báo và có thông tin cho nhân dân biết kịp thời để phối hợp phòng tránh hiệu quả, có kế hoạch hỗ trợ phù hợp, kịp thời cho nhân dân ở các địa phương bị xâm nhập mặn.

Trả lời vấn đề này, UBND tỉnh cho biết, hiện nay tỉnh đang rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, thủy lợi và nước sạch nông thôn. Theo đó, tỉnh chỉ đạo ngành chuyên môn hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu mùa vụ để có thể tránh được hạn, mặn.

Về giải pháp, trước mắt là việc vận dụng linh hoạt hiệu quả các công trình thủy lợi hiện có để đóng cống, đắp đập ngăn mặn giữ ngọt. Phát động trong nhân dân thực hiện ngay các biện pháp thủ công sử dụng tích nước bằng lu, bể, ao chứa; thực hiện tiết kiệm nước ngọt trong sản xuất và sinh hoạt.

Về lâu dài, giải pháp thủy lợi tiếp tục dùng những kinh, rạch ngoài đê bao làm hồ, làm nơi chứa nước; chuyển tải nước từ vùng nước ngọt (Bắc sông Măng Thít) tiếp cho vùng bị nhiễm mặn (Nam Măng Thít) vào mùa khô; xây dựng hồ chứa nước ngọt ở vùng bị nhiễm mặn cao…

Về nước sinh hoạt, giải pháp trước mắt là hỗ trợ các dụng cụ chứa nước cỡ lớn cho hộ dân nghèo, hộ khó khăn, các cơ sở công cộng như: trạm y tế, bệnh viện, trường học,…

Song song đó, quy hoạch xây dựng hệ thống cấp nước sạch liên vùng để chuyển tải nước từ vùng ngọt sang vùng mặn; ở những nơi nguồn nước mặt khó khăn, mặn lên cao, nhất là các cù lao, cồn trên các sông lớn xem xét khoan thêm một số giếng khoan khai thác nước ngầm tầng sâu để cấp nước cho dân.

Tình hình ATVSTP còn phức tạp

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) cũng được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn tại kỳ họp. Theo đại biểu Văn Hiến Vĩnh (đơn vị TP Vĩnh Long), Nguyễn Văn Nhanh (đơn vị Bình Tân), Nguyễn Văn Nhỏ (đơn vị Long Hồ), bà con cử tri lo lắng về tình hình VSATTP hiện nay và muốn biết tình hình ở tỉnh Vĩnh Long hiện nay như thế nào?

Ông Phạm Tứ Phương- Giám đốc Sở Công thương đại diện cho 3 đơn vị là Sở Nông nghiệp- PTNT, Sở Công thương, Sở Y tế cho biết, ở tỉnh ta, tình hình vi phạm về VSATTP cũng diễn biến phức tạp. Việc sử dụng các chất phụ gia trong sản xuất trở nên phổ biến. Nhiều loại thịt không qua kiểm duyệt thú y, thịt tẩm ướp hàn the, rau quả ngâm hóa chất và tồn dư thuốc trừ sâu vẫn còn bày bán trên thị trường.

Thời gian qua, do có sự phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên giữa 3 ngành nên tình hình ở tỉnh ta có chuyển biến theo hướng tích cực. Tuy nhiên, tình trạng mất VSATTP vẫn còn.

Trong 6 tháng đầu năm, xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm với 19 người mắc. Các lực lượng chức năng của 3 ngành đã kiểm tra 1.196 vụ, phát hiện 248 vụ vi phạm, xử phạt hành chính trên 1 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, 3 ngành sẽ tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra về chất lượng hàng thực phẩm lưu thông trên thị trường, các cơ sở chế biến thực phẩm về điều kiện VSATTP, nguồn gốc nguyên liệu, công bố chất lượng sản phẩm.

Song song đó, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập hợp lại thành các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm dễ dàng áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như VietGAP, GlobalGAP... vào sản xuất và hướng đến tiêu dùng chất lượng cao (các siêu thị, nhà hàng) và xuất khẩu.

Tập trung phát triển các chuỗi sản xuất kinh doanh nông- lâm- thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm tại các vùng sản xuất trọng điểm của tỉnh và gắn liền với sơ chế, chế biến, tiêu dùng.

 

Hiện nay, Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh đưa vào vận hành hệ thống tin nhắn SMS về phòng chống thiên tai trên địa bàn toàn tỉnh.

 

Theo đó, sẽ cung cấp thông tin về diễn biến tình hình khí tượng thủy văn, thông tin cảnh báo về thiên tai đến trưởng ban chỉ huy từ cấp tỉnh, huyện đến cấp xã để nắm bắt, chuyển tải thông tin về khí tượng- thủy văn, thiên tai, hạn mặn đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời đến tận các cơ quan, đơn vị và người dân trong tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 

Đồng thời chỉ đạo, tổ chức xây dựng thêm các trạm, điểm quan trắc về thời tiết, khí tượng, độ mặn để có cơ sở thông tin, dự báo và lập kế hoạch phòng chống hạn mặn nói riêng và thiên tai nói chung trong thời gian tới.

Bài, ảnh: THANH TÂM- CẨM HUỆ