Thăm "Thủ đô kháng chiến" của miền Nam

Cập nhật, 07:49, Chủ Nhật, 22/11/2015 (GMT+7)

Trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc (MTDT) thống nhất Việt Nam và 55 năm ngày thành lập MTDT giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1960- 20/12/2015), UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long đã có chuyến về nguồn, ôn lại truyền thống tại “Thủ đô kháng chiến” của miền Nam (huyện Tân Biên- Tây Ninh).

Đoàn nghe thuyết minh tại Nhà Thường trực.
Đoàn nghe thuyết minh tại Nhà Thường trực.

Rừng che bộ đội

Khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam từng được gọi là “Thủ đô kháng chiến” của miền Nam với những kỳ tích “vang bóng một thời” trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trên đường đi, đoàn ghé thăm Vườn Quốc gia (VQG) Lò Gò- Xa Mát thuộc địa phận 3 xã: Tân Lập, Tân Bình, Hòa Hiệp. Với diện tích gần 19.000ha, đây là khu vực có rừng che phủ lớn nhất tỉnh và có giá trị cao về đa dạng sinh học với trên 700 loại cây, 29 loài thú.

“Được đánh giá là nơi chuyển tiếp giữa vùng Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ và vùng ĐBSCL. Do đó, VQG mang nét đặc trưng của rừng thường xanh, rừng khộp và rừng tràm ngập nước. Đây là địa điểm duy nhất của Việt Nam có sinh cảnh này”- hướng dẫn viên Tuyết Mai cho biết.

Theo chị: “VQG còn được công nhận là một trong các vùng chim quan trọng của Việt Nam. Đây là nơi dừng chân của loài sếu đầu đỏ trên tuyến di cư về nơi sinh sản tại Campuchia”.

VQG có con sông Vàm Cỏ bắt nguồn từ Campuchia chảy qua nên rừng còn có vai trò quan trọng trong việc phòng hộ đầu sông. “Trong chiến tranh chống Mỹ, VQG là cơ sở của Đài Phát thanh Giải phóng miền Nam Việt Nam và cũng là căn cứ cách mạng của quân giải phóng. Bởi vậy, khu vực này có ý nghĩa quan trọng về mặt lịch sử”- hướng dẫn viên Tuyết Mai nói.

Khi mặt trời xế bóng, đoàn mới đến được khu rừng Rùm Đuôn (xã Tân Lập)- một “địa chỉ đỏ” về nguồn, nơi hoạt động của các cơ quan đầu não cách mạng miền Nam như: Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Căn cứ MTDT giải phóng miền Nam Việt Nam và Căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Trước mặt chúng tôi là rừng cây xanh ngát, um tùm cây cổ thụ và chi chít dây leo. Đến tham quan nơi ở và làm việc các vị lãnh đạo cao cấp của Trung ương Cục miền Nam đã đi vào huyền thoại như: Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Phạm Hùng,... chúng tôi thấy điểm nổi bật là, mỗi nơi đều có hầm chữ A nửa chìm, nửa nổi, được nối với nhau bởi hệ thống giao thông hào liên hoàn dài hàng chục cây số, đan xen như mạng nhện.

Điều thú vị nữa là trên nóc không có kèo, không lót đòn tay mà được dựng bằng tre, gỗ, mái lợp lá trung quân- một loại lá thon, dài bằng bàn tay nhưng rất dai, bền và không bắt lửa. “Người cách mạng đã biết dùng nó che mưa che nắng trong hoàn cảnh khói lửa chiến tranh luôn cận kề và đặt cho nó một cái tên như con người: trung quân”- hướng dẫn viên Ngọc Diễm kể.

Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Mỹ An (Mang Thít) Ngô Thị Kiều Linh nói: “Tôi rất ấn tượng với lá trung quân, loại lá không bị tàn lụi, héo úa trong lửa đạn, tượng trưng cho ý chí của người cộng sản, thể hiện sự đoàn kết, nhất trí vững chãi vượt qua khó khăn”.

Rừng vây quân thù

Nằm trong khu rừng già nguyên sinh, cách Trung ương Cục miền Nam 10km là căn cứ MTDT giải phóng miền Nam Việt Nam. “Mỗi lần đặt chân tới đây, chúng tôi như được sống lại những ngày tháng lịch sử hào hùng của dân tộc”- Chánh Văn phòng Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh Nguyễn Văn Bạc dẫn đoàn đi, nói.

Trong những năm tháng gian lao của cuộc kháng chiến, MTDT giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời từ những đòi hỏi bức xúc của cách mạng miền Nam, được nhân dân bảo bọc, nuôi dưỡng và luôn sống giữa lòng dân.

Chính trên vùng đất rừng được coi là “Thánh địa” của cách mạng miền Nam này đã diễn ra đại hội quan trọng của Mặt trận với ý nghĩa không kém Hội nghị Diên Hồng của triều Trần trước họa xâm lược.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại nhà đồng chí Phạm Hùng.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại nhà đồng chí Phạm Hùng.

Ông Nguyễn Văn Bạc cho biết: “Gần đây, khu căn cứ đã được làm mới và tôn tạo một số công trình quan trọng. Việc làm này nhằm tỏ lòng tri ân đối với các bậc lão thành cách mạng, những người đã đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”.

Đến tham quan bếp Hoàng Cầm, ông cho biết: Các chiến sĩ cách mạng ngày xưa đã rất năng động, chế ra loại bếp nấu đáp ứng được 1 trong 3 yêu cầu bí mật đối với căn cứ cách mạng: “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.

Bếp phục vụ cho hàng trăm người ăn vẫn nổi lửa hàng ngày, nhưng địch không tài nào phát hiện vì không thấy khói. Có thể nói, chính địa hình “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” và những sáng kiến độc đáo của các chiến sĩ cách mạng, mà địch không thể hoàn thành mục tiêu xóa sổ “Thủ đô Việt cộng” dù đã đổ nhiều bom đạn, kể cả B52 xuống vùng đất này.

Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã An Phước (Mang Thít) Nguyễn Thị Lanh nói: “Ký ức tuổi thơ trong tôi là những ngày theo mẹ đi chạy giặc, đến khi trở về, nhà cửa đã tan hoang và 2 người cậu đã hy sinh.

Chuyến đi này, giúp tôi hiểu rõ hơn cuộc sống kham khổ, nhưng cũng đầy anh dũng của ông cha ta. Trong cuộc sống đổi mới hôm nay, tôi nghĩ rằng mình phải phấn đấu hơn nữa để tiếp bước hào khí của thế hệ đi trước”.

Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh- Nguyễn Văn Sang: Chuyến về nguồn là một trong những hoạt động nhằm ôn lại truyền thống. Từ đó, động viên nhau cống hiến tài trí và sức lực, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI