Hội thảo khoa học "Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Vĩnh Long - năm 1940"

Làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn cách mạng

Cập nhật, 07:06, Thứ Tư, 25/11/2015 (GMT+7)

 

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: N. TRẢNG- N. THỊNH
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: N. TRẢNG- N. THỊNH

Tuy đã 75 năm trôi qua nhưng khí thế hào hùng, tinh thần chiến đấu oanh liệt, ý chí quật cường của đồng bào và chiến sĩ trong Khởi nghĩa Nam Kỳ vẫn sống động trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam và nhân dân Vĩnh Long.

Cuộc hội thảo về sự kiện lịch sử này, đã thu hút 67 bài tham luận, trong đó các tác giả Vĩnh Long đóng góp 20 bài viết quan trọng.

Những bài học lịch sử sâu sắc

Khởi nghĩa Nam Kỳ mang tính chất của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thừa kế và nêu cao tinh thần quật khởi dân tộc, cho nên đã tập hợp được trong Mặt trận Thống nhất dân tộc tất cả các tầng lớp, giai cấp, dân tộc, tôn giáo.

Cuộc khởi nghĩa còn mang tính chất nhân dân rộng rãi và sâu sắc, trên cơ sở liên minh công nông, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong thực tiễn, các tầng lớp, giai cấp, dân tộc, tôn giáo trong xã hội đều tham gia khởi nghĩa trên quy mô rộng lớn khắp Nam Kỳ, hoặc tỏ thái độ ủng hộ cuộc khởi nghĩa, ngay cả sau khi cuộc khởi nghĩa đã thất bại.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà- Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)- nhận định:

“Mặc dù thất bại nhưng Khởi nghĩa Nam Kỳ có ý nghĩa to lớn, làm rung chuyển chính quyền thống trị của đế quốc Pháp và tay sai, làm tan rã bộ máy cai trị của chúng ở một số vùng nông thôn. Cuộc khởi nghĩa đã tỏ rõ lòng căm thù sâu sắc của nhân dân ta đối với bọn thực dân Pháp, tinh thần đấu tranh vô cùng anh dũng của quần chúng cách mạng. Cuộc khởi nghĩa đã thể hiện sức mạnh quật khởi của quần chúng, lòng tin tưởng và sẵn sàng theo Đảng để giành độc lập của nhân dân”.

Một số tác giả cho rằng, cùng với Khởi nghĩa Bắc Sơn, Khởi nghĩa Nam Kỳ đã gợi mở cho Đảng ta đặt ra những bước tiến trên con đường phát triển của cuộc vận động khởi nghĩa vũ trang. Cuộc khởi nghĩa giương cao khẩu hiệu: “Đánh đổ thực dân Pháp thống trị!”, “Chống phát xít Nhật xâm lược!” cùng “vua chúa bổn xứ và tất cả bọn tay sai phản bội dân tộc”.

Bà Thân Thị Thư- Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh- lý giải vì sao có sự “yên lặng” của nội thành Sài Gòn lúc bấy giờ:

“Sài Gòn là trọng điểm của cuộc khởi nghĩa nhưng khởi nghĩa ở nội thành đã không nổ ra và đã không có lệnh khởi nghĩa phát đi từ Sài Gòn vì kế hoạch bị lộ. Nội thành Sài Gòn không nổ súng được nhưng Gia Định, Chợ Lớn và đồng loạt các tỉnh khác của Nam Kỳ nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh đã ban hành. Cuộc khởi nghĩa với khí thế hừng hực, thu hút đông đảo nhân dân nổi dậy và đã để lại dấu ấn quan trọng trong cuộc cách mạng của Đảng và nhân dân ta”.

Trong khi đó, ở Vĩnh Long mà trực tiếp là Quận ủy Vũng Liêm, Tam Bình đã giành được những thắng lợi quan trọng, làm chủ quận lỵ Vũng Liêm trong 8 giờ liền; thị trấn Cái Ngang, Tam Bình 17 giờ liền.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long Trương Văn Sáu, đánh giá: “Lần đầu tiên trong lịch sử, cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc các trụ sở chính quyền thực dân ở những nơi quân dân ta chiếm đóng. Hình ảnh đó đã trở thành niềm tin tất thắng và tinh thần tự tôn dân tộc, niềm khát khao độc lập của quân và dân Vĩnh Long trong hơn 70 năm (1867- 1940) dưới ách thống trị của thực dân Pháp”.

Cả Nam Kỳ rung chuyển dưới sức nổi dậy của quần chúng cách mạng. Nguồn bản đồ: Internet
Cả Nam Kỳ rung chuyển dưới sức nổi dậy của quần chúng cách mạng. Nguồn bản đồ: Internet

Linh hồn của cuộc khởi nghĩa

Nhiều bài viết đã khắc họa quá trình chuẩn bị, tinh thần quật khởi của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Vĩnh Long trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ; trong đó một số bài viết đã giúp tái hiện lại diễn biến cuộc khởi nghĩa trên phạm vi toàn tỉnh và ở quận Vũng Liêm, Tam Bình là những địa phương tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Long và cả miền Nam.

Qua đó, nổi bật vai trò của các đồng chí lãnh đạo, đảng viên, nhất là các đồng chí: Tạ Uyên, Quản Trọng Hoàng, Trần Văn Bẩy, Nguyễn Thị Huệ, Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Văn Nhứt, Phan Văn Đáng, Nguyễn Vĩnh Miêng, Võ Văn Kiệt- vốn là những linh hồn của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Vĩnh Long. Mọi người đều quên ăn, quên uống, tập trung lên kế hoạch tỉ mỉ, chu đáo và trực tiếp chỉ huy khởi nghĩa.

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng đã từng kể lại: “Từ lúc họp hội nghị cho tới ngày khởi nghĩa, tôi quên ăn cơm, chị em nhắc tới mới nhớ, nhưng ăn không được, chỉ ăn một chén rồi thôi. Uống nước cũng không được, phải lo lắng từ việc lớn đến việc nhỏ, bố trí phân công nhiệm vụ, vì từ nhỏ đến lớn chỉ có lần này, nếu không quyết tâm khởi nghĩa thì còn lúc nào?”

Bài viết của ông Trương Công Giang- nguyên Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long- đã có những lời kể trực tiếp của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, của đồng chí Nguyễn Thị Hồng... nên có sự lý giải một cách sinh động tinh thần tham gia khởi nghĩa của dân và quân Vũng Liêm.

Sau 40 năm cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (nguyên là Bí thư chi bộ xã Trung Hiệp, chỉ huy đánh chiếm đồn Bắc Nước Xoáy) kể lại:

“Tôi được giác ngộ cuối trào Mặt trận Dân chủ, cảnh nhà nghèo khổ, gia đình làm được mớ ruộng. Đến mùa, địa chủ coi như vét hết lúa. Ức nhất là đám cường hào lộng hành ghê gớm, đám nịnh bợ dựa hơi phách lối, coi bọn trẻ ở đợ chúng tôi không ra gì cả. Bọn trẻ chúng tôi cảm thấy không thể nào sống với làng xóm như thế được. Đi chợ thấy anh lơ xe cũng khoái, thấy anh thợ hớt tóc cũng khoái; khao khát cuộc sống tự do, không ràng buộc, nhất là không bị khinh khi”.

Đồng chí Võ Văn Kiệt kể tiếp: “Năm đó tôi mới 16 tuổi, gặp người về gầy dựng cơ sở. Anh nói chuyện chống áp bức, bóc lột, nói chuyện thương yêu nhau, tôi nghe khoái lạ khoái lùng, hấp dẫn đến vô cùng. Từ đó mỗi lần anh đi về là tôi cứ bám theo, nghe anh nói chuyện không biết chán, mỗi lần anh đi, cứ mong anh về mãi”.

Những ý thức ban đầu về áp bức bóc lột, đồng chí Võ Văn Kiệt đã được đồng chí Nguyễn Thị Hồng bồi dưỡng về cách mạng Xô Viết, nâng tầm nhận thức trở thành một trong những nhân tố quan trọng trong cuộc khởi nghĩa tại Vũng Liêm.

 

“Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ mặc dù không thành công, nhưng nó đã để lại những bài học kinh nghiệm sâu sắc từ thực tiễn cho sự lãnh đạo của Đảng. Bài học ấy khẳng định chân lý: một khi lòng yêu nước của nhân dân được Đảng lãnh đạo sẽ trở thành sức mạnh vật chất, vượt qua mọi hy sinh, thử thách, không khuất phục bất cứ hành động tàn bạo nào của kẻ thù, để cuối cùng giành được thắng lợi hoàn toàn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc thoát khỏi ách ngoại xâm”- ông Nguyễn Thanh Hùng- nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long nói.

NGỌC TRẢNG- NGUYỄN THỊNH