45 NĂM THỰC HIỆN DI CHÚC CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Di chúc Bác Hồ là “cẩm nang của cách mạng Việt Nam”

Cập nhật, 16:10, Thứ Bảy, 30/08/2014 (GMT+7)


Với chiếc máy đánh chữ nhỏ, Bác Hồ soạn thảo nhiều tác phẩm, văn kiện lịch sử, trong đó có Di chúc.

Hội thảo khoa học "45 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh" do Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức ngày 29/8 tại Hà Nội nhân kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Người.

Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học là cán bộ quản lý, cán bộ giảng dạy, nghiên cứu. Các đại biểu đã cùng trao đổi về Di chúc Hồ Chí Minh và các vấn đề liên quan đến Di chúc của Người.

Hội thảo góp phần khẳng định quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân ta tiếp tục thực hiện Di chúc Hồ Chí Minh, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.

Phát biểu đề dẫn, quyền Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thúy Đức đã nhấn mạnh: Di sản của Người để lại cho dân, cho nước vô cùng to lớn và quý giá, đó là: tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức Hồ Chí Minh, phong cách Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, bản Di chúc của Bác đã tác động sâu sắc tới mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết đơn giản chỉ là “mấy lời để lại”, “tóm tắt vài việc”, nhưng sự đơn giản ấy chứa đựng những điều lớn lao, vĩ đại của người Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hóa thế giới.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc đời - sự nghiệp - tư tưởng - đạo đức - phong cách đã trở thành mẫu mực. Di sản Di chúc mà Người để lại cho dân tộc ta, mọi ngôn ngữ đánh giá đều không thể diễn tả hết, đó là “cẩm nang của cách mạng Việt Nam”.

Tại hội thảo, các đại biểu tiếp tục khẳng định những nội dung, giá trị của Di chúc Hồ Chí Minh, làm rõ, đánh giá việc thực hiện Di chúc của Bác trong 45 năm qua.

Các tham luận tại hội thảo này tập trung vào 3 vấn đề chính. Thứ nhất là chủ đề: Việc Bác Hồ viết Di chúc. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác phẩm được Người viết lâu nhất, trong 4 năm từ 1965 đến 1969. Nhưng mỗi năm, Người chỉ dành một khoảng thời gian vào dịp sinh nhật, từ ngày 10 đến ngày 19/5, để suy ngẫm, trăn trở, sửa lại, bổ sung...

Cả quá trình đó thể hiện tâm nguyện, tình cảm, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Những điều này đã được các tác giả thể hiện qua các tham luận như "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân thế giới"; "Tìm hiểu về tác giả hồi ký Bác Hồ viết di chúc"; "Bảo vật quốc gia Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh"...

Chủ đề thứ hai mà các đại biểu tập trung làm rõ là những vấn đề về xây dựng và chỉnh đốn Đảng cầm quyền, đạo đức cách mạng của cán bộ đảng viên; Đảng phải có kế hoạch thực hiện chính sách xã hội, phát triển kinh tế văn hóa, nguồn lực con người nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân.
 
Đồng thời các tham luận cũng đề cập đến vấn đề xây dựng bồi dưỡng lực lượng cách mạng cho đời sau; mục tiêu và động lực cách mạng; cuộc chiến đấu chống những cái cũ kỹ hư hỏng xây dựng những cái mới mẻ, tốt đẹp; về đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân; tăng cường đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại góp phần vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

Các bài tham luận về chủ đề này đã khẳng định: Di chúc Hồ Chí Minh toát lên tinh thần nhân văn sâu sắc và tinh thần đổi mới, phát triển phù hợp quy luật tự nhiên và xã hội.

Chủ đề thứ 3 mà hội thảo đề cập là muốn làm rõ việc Đảng ta, nhân dân ta đã thực hiện Di chúc Hồ Chí Minh như thế nào trong 45 năm qua, những thành quả đã đạt được, những hạn chế tồn tại và những giải pháp để toàn Đảng, toàn dân ta tiếp tục thực hiện xuất sắc điều mong muốn cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

PV (theo TTXVN)