Các chiến trường chia lửa với Điện Biên

Kỳ 2: Mười ngày Tây Nguyên rung chuyển dữ dội

Cập nhật, 14:26, Thứ Năm, 24/04/2014 (GMT+7)

>> Các chiến trường chia lửa với Điện Biên 


Hoàn toàn nhất trí với phương án tác chiến của cơ quan tham mưu do anh Nguyễn Bá Phát, Tham mưu phó, làm Tham mưu trưởng mặt trận trình bày, anh Chánh hạ quyết tâm mở chiến dịch ở Kon Tum, trên địa bàn Bắc Tây Nguyên, chọn tiểu khu Măng Đen làm trận đánh then chốt mở màn chiến dịch.

Kon Tum đang là điểm yếu và sơ hở của địch. Còn Măng Đen là một tiểu khu quân sự kiên cố, cách thị xã Kon Tum 50km, kiểm soát một vùng rộng lớn ở Đông Kon Tum, vừa án ngữ vững chắc cho thị xã Kon Tum, vừa là bàn đạp thường xuyên đánh phá vùng tự do giáp ranh miền Tây Quảng Ngãi.

Đặc biệt, ở đây có đường 5, con đường huyết mạch độc đạo chạy từ Kon Tum xuống Măng Đen, quận lỵ Ba Tơ, tiếp giáp với Quốc lộ 1 ở huyện Mộ Đức cách thị xã Quảng Ngãi 20km, là một mũi đột kích hết sức lợi hại và nguy hiểm trong bước 3 của Chiến dịch Át-lăng, đánh chiếm thị xã Quảng Ngãi, kết thúc cuộc tấn công chiến lược ở miền Nam của Na-va.

Rừng Tây Nguyên vào mùa khô, rũ sạch gió mưa, thay sắc đỏ sang Xuân. Dòng sông Rhe đã trở nên hiền hòa, nhiều nơi nước cạn có thể lội qua.

Tháng 1-1954, Sở chỉ huy cơ bản điện báo anh Chánh tin vui: Các chiến trường sau lưng địch chủ động nổ súng đồng loạt giòn giã, thu được thắng lợi bước đầu đáng phấn khởi.
 
Ở Quảng Nam, ta tiêu diệt đồn Bồ Bồ, một cứ điểm quan trọng kiểm soát một vùng rộng lớn ở sông Thu Bồn. Ở Đắc Lắc, ta tiêu diệt đồn Kà Tung và Bôba - Kà Tu. Ở Bắc Tây Nguyên, ta thường xuyên uy hiếp các đồn bốt và đánh mạnh các toán quân lùng sục, khiến lính biệt kích co lại, không dám đi xa.

Quân Pháp đầu hàng lực lượng vũ trang Liên khu 5 trong trận Đắk-pơ. Ảnh tư liệu.

Cũng chính nhờ đó mà hàng vạn bộ đội, dân công ta vượt sông Rhe vào các vị trí tập kết, giữ được bí mật hoàn toàn.

Đồng thời, Ban Quân báo Liên khu 5 cũng thông báo cho anh Chánh biết địch đã hoàn tất việc rút binh đoàn cơ động số 100 ở Triều Tiên về Việt Nam, tham gia Chiến dịch Át-lăng (viết tắt GM100, tức Groupement mobile numéro 100).

Ở Khánh Hòa, các binh đoàn cơ động số 10, 41, 42 GM100 cùng hai tiểu đoàn dù đã sẵn sàng xông trận.

Trên chiến trường chính, các tiểu đoàn Âu-Phi nổi tiếng thiện chiến của địch đổ xuống Điện Biên Phủ đã lên đến con số 12, thực hiện phòng ngự chiến lược ở miền Bắc.

Anh Chánh rất bình tĩnh, động viên hai trung đoàn 108, 803, bí mật và nhanh chóng tiếp cận mục tiêu chiến đấu. Ngày 20-1-1954, địch khai cuộc Chiến dịch Át-lăng, sử dụng 22 tiểu đoàn lính Âu-Phi thiện chiến với tham vọng sớm đánh chiếm Phú Yên trong thời gian ngắn nhất.

Được chuẩn bị kỹ từ trước, lại thông thạo địa hình, các lực lượng địa phương của ta chặn đánh quyết liệt suốt ngày đêm, gây cho địch thương vong và không dám tiến nhanh.

Ngày 28-1-1954, tức một tuần sau khi địch đánh ra Phú Yên, ta kịp thời nổ súng mở màn Chiến dịch Tây Nguyên.

Chiến đấu vô cùng anh dũng, E108 đã tiêu diệt tiểu khu quân sự Măng Đen, E803 tiêu diệt hai cứ điểm Kon Rẫy, Mang Bút ở Đông Măng Đen.

Cái lá chắn án ngữ phía Đông bị đập tan làm rung động cả thị xã Kon Tum và đến cả Plei-cu. Về phía ta, chiến thắng Măng Đen là trận công kiên lớn nhất Liên khu 5 trong kháng chiến chống Pháp, có sức cổ vũ khí thế quyết chiến quyết thắng của bộ đội, dân công lên rất cao.

Anh Chánh lập tức ra lệnh cho E108 cấp tốc hành quân ra Bắc Kon Tum và E803 vào ngay Nam Kon Tum, hình thành thế bao vây thị xã Kon Tum, chia cắt Kon Tum với Gia Lai.

E108 lần lượt tiêu diệt hết hệ thống cứ điểm ở Bắc Kon Tum, giải phóng hoàn toàn hai huyện Đắc Tô, Đắc Lây. Thị xã Kon Tum kêu cứu.

Ngày 4-2-1954, E803 tiêu diệt đoàn xe quân sự 7 chiếc và một đại đội lính Âu-Phi trên đường 14 ở Nam Kon Tum.

Anh Chánh động viên bộ đội nắm vững thời cơ vô cùng thuận lợi, thừa thắng xông lên!

Bất chấp ngày đêm, E108 tiến quân về phía Nam và ngày 7-2-1954, dũng mãnh đánh chiếm và làm chủ thị xã Kon Tum.

Thế là chỉ sau 10 ngày mở màn chiến dịch, toàn tỉnh Kon Tum rộng hơn14.000km2 với hơn 20 vạn dân hoàn toàn được giải phóng. Chiến trường Tây Nguyên rung chuyển dữ dội.

Đây là lần đầu tiên trong kháng chiến chống Pháp, Liên khu 5 với hai trung đoàn chủ lực đã giải phóng một tỉnh. Tin chiến thắng lan đi rất nhanh, làm nức lòng quân dân Liên khu 5 và đồng bào, chiến sĩ cả nước. Đồng thời, Măng Đen, Kon Tum bị mất là tín hiệu báo trước cho Na-va kế hoạch bước 3 của Chiến dịch Át-lăng đã bị bẻ gãy ngay từ đầu.

Thắng lợi to lớn diễn ra quá nhanh chóng. Nhận được tin báo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp điện hỏi ngay có thật không. Anh Chánh trả lời: “Tôi và Bộ chỉ huy đang có mặt ở thị xã Kon Tum và chuẩn bị tiến quân vào Gia Lai”.

Điện khen của Bộ Tổng tư lệnh đã được chuyển đến cán bộ, chiến sĩ, dân công trên khắp mặt trận và đồng bào, chiến sĩ Liên khu 5, động viên giành thắng lợi to lớn hơn nữa, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Mặt trận Điện Biên Phủ.

Không đêm nào chợp mắt được một đôi tiếng đồng hồ, mắt thâm quầng nhưng luôn mở to, rực sáng cùng nụ cười luôn nở trên môi, anh Chánh hạ “động viên lệnh” kêu gọi cán bộ, chiến sĩ các đơn vị tức tốc hành quân vào Gia Lai với tinh thần: “Thời cơ lớn đã đến! Một ngày bằng hai mươi năm!”.

Bộ đội, dân công hỏa tuyến nô nức bám theo nhau, mặc suối, đèo, sông sâu, núi cao, vừa đi vừa chạy, quên ăn quên ngủ, tất cả đều gấp rút tiến vô Nam.

Địch ở Plei-cu và Gia Lai kêu cứu. Na-va và tướng Đờ-bô-pho (De Beaufort) chỉ huy chiến trường Tây Nguyên và là chỉ huy Chiến dịch Át-lăng đợt 1 và 2, đóng hành dinh tại Buôn Ma Thuột, lập tức điều GM100 lên đóng tại thị trấn An Khê để bảo vệ Gia Lai, Plei-cu và sẵn sàng tham gia đợt 2 Chiến dịch Át-lăng.

Thế ta đang lên như "nước vỡ bờ" và địch rơi vào thế bế tắc, bị động. Hai E108 và 803 được củng cố, bổ sung lực lượng cùng với E120 đa phần là anh em đồng bào các dân tộc thiểu số đến tháng 2-1954 đã đứng chân thành thế kiềng ba chân ở sát An Khê, Plei-cu, Nam đường số 9 trên đất Đắc Lắc. Giữa An Khê và Plei-cu, giữa Gia Lai với Đắc Lắc và Bình Định đã bị chia cắt và cô lập.
 
Địch ở Gia Lai hết sức hoang mang, nơm nớp lo sợ. Plei-cu kêu cứu nhưng E803 tiêu diệt các cứ điểm Đắc Đoa, Plei-Ring bảo vệ vòng ngoài thị xã Plei-cu. E108 tiêu diệt các cứ điểm Tú Thủy, Cữu An bảo vệ vòng ngoài căn cứ quân sự An Khê, khiến binh lính địch ở Gia Lai, Đắc Lắc và GM100 đứng chân ở thị trấn An Khê càng thêm khiếp sợ, dao động tinh thần.

Với 22 tiểu đoàn thiện chiến, tướng Na-va tưởng có thể nuốt chửng được Phú Yên trong vòng một tuần lễ đến mười ngày, nhưng hắn không ngờ gặp phải sức kháng cự mãnh liệt của ta, suốt gần hai tháng trời, Chiến dịch Át-lăng chỉ dậm chân tại chỗ ở Phú Yên.

Mặc dù gặp tình thế bế tắc, "tiến thoái lưỡng nan" nhưng để gỡ thế bí, ngày 12-3-1954, địch liều mạng đổ bộ lên Quy Nhơn 8 tiểu đoàn lính Âu-Phi, phối hợp cánh quân Phú Yên đánh ra chiếm Diêu Trì, đồng thời lệnh cho GM100 ở An Khê đánh xuống để thực hiện bước 2 đánh chiếm toàn tỉnh Bình Định. Hai đơn vị của ta là E108 và E120 đã sẵn sàng đón đánh GM100.

Nhưng thật bất ngờ, ngày hôm sau, 13-3-1954, lịch sử không thể nào quên, quân và dân ta mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, tiêu diệt cứ điểm Him Lam (14-3), đồi Độc Lập (15-3) và Bản Kéo, tiếp theo sau đó là khép chặt vòng vây, tấn công vào trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Địch vô cùng hốt hoảng, GM100 hành quân đến Đầu Đèo-Thượng An được lệnh dừng lại và lui quân về An Khê. Từng bước trong những đêm tiếp theo, Na-va bí mật cho rút hết lực lượng chiếm đóng ở Diêu Trì đưa về Quy Nhơn rồi đưa ra tàu biển, chỉ chi viện cho Điện Biên Phủ hai tiểu đoàn dù.

Chiến dịch Át-lăng kết thúc một cách nhục nhã, không kèn, không trống vào ngày 6-4-1954.

Tin vui Chiến dịch Át-lăng bị đập tan, ta đang đánh mạnh ở trung tâm Điện Biên Phủ gây một không khí nô nức, tưng bừng mừng chiến thắng khắp mặt trận và vùng tự do Liên khu 5. Tiếng reo hò, tiếng hoan hô vang dậy khắp nơi.

(Còn tiếp))