Tiến công chiến lược ở miền Nam và đánh bại B-52 ở miền Bắc năm 1972-Những đòn quyết định buộc Mỹ ký Hiệp định Pa-ri

Cập nhật, 10:08, Thứ Bảy, 29/12/2012 (GMT+7)

Thắng lợi của quân và dân ta trên chiến trường chính miền Nam, mà đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) và đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất trên miền Bắc thực sự là những đòn đánh quyết định làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ phải tuyên bố chấm dứt đánh phá miền Bắc, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Pa-ri.

Tiếp đó, bằng nỗ lực vượt bậc của cả hậu phương và tiền tuyến, đồng thời được sự ủng hộ, giúp đỡ hiệu quả bạn bè quốc tế, quân và dân ta ở miền Nam khẩn trương củng cố thế và lực, mở tiếp chiến dịch Đường 9 -Nam Lào (1971), làm thay đổi cán cân so sánh lực lượng trên chiến trường theo hướng có lợi cho ta.

Theo dõi sự chuyển biến trên chiến trường, cân nhắc thế và lực của ta, tháng 5-1971, Trung ương Đảng quyết định: “Kịp thời nắm lấy thời cơ lớn, trên cơ sở phương châm chiến lược đánh lâu dài, đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị và ngoại giao, phát triển thế chiến lược tiến công mới trên toàn chiến trường miền Nam và trên cả chiến trường Đông Dương, đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, giành thắng lợi quyết định trong năm 1972, buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trên thế thua”[1]. Theo đó, Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu khẩn trương xây dựng kế hoạch tiến công chiến lược ở miền Nam năm 1972 (Quân uỷ Trung ương thông qua tháng 6-1971).

Đúng như kế hoạch, sau khi dồn sức làm công tác chuẩn bị, ngày 30-3-1972, cuộc tiến công chiến lược đã nổ ra đồng loạt trên chiến trường miền Nam. Tại hướng chủ yếu Trị - Thiên và các hướng quan trọng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, ta mở ba chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, đập tan một số tuyến, khu vực phòng thủ mạnh, tiêu diệt và đánh thiệt hại nhiều đơn vị cấp trung, sư đoàn chủ lực cơ động của quân đội Sài Gòn. Đặc biệt, trên hướng Trị - Thiên, ta giải phóng tỉnh Quảng Trị. Ở đồng bằng Nam Bộ và Khu 5, ta cũng đẩy mạnh tiến công và nổi dậy, mở rộng vùng làm chủ, giải phóng hàng triệu dân.

Thắng lợi 1972 ở miền Nam cộng hưởng với chiến công vang dội của quân và dân miền Bắc: bắn rơi 561 máy bay, bắn chìm, bắn cháy 80 tàu chiến, phá hủy hàng nghìn quả thủy lôi, mìn từ trường của Mỹ (6.4 – 22.10.1972), đã buộc Mỹ phải chấp thuận bản dự thảo “Hiệp định chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam” do ta soạn thảo (8-10-1972) và dự định ngày ký kết chính thức[2]. Tuy việc chấp thuận này có phần liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào ngày 7-11-1972 (Ních-xơn tái tranh cử), nhưng đây thực sự là một thắng lợi lớn của ta. Bởi, nếu không có thắng lợi quyết định 1972 thì làm sao có sự chấp thuận này của Mỹ.

Với bản chất ngoan cố và xảo trá, sau chính thức bước vào Nhà Trắng lần hai, chính quyền Ních-xơn tìm mọi lý do để ép ta sửa đổi nhiều nội dung căn bản của Hiệp định. Tất nhiên, ta không thể chấp thuận. Hội nghị Pa-ri bế tắc. Ngay tức khắc, Ních-xơn quyết định sử dụng không lực để “tạo ra một cú sốc” (Sock dologer) - mở cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu trọng điểm khác trên miền Bắc. Với lực lượng tập trung cho cuộc tập kích gồm 193 máy bay B-52 (chiếm 50% số B-52 của Mỹ), gần 50 máy bay F-111 và hơn 1.000 máy bay tiêm kích, 6 liên đội tàu sân bay, hàng chục máy bay KC.135 tiếp dầu trên không... Ních-xơn tin rằng sẽ làm “mềm xương sống” của Hà Nội, buộc Chính phủ ta phải ký Hiệp định Pa-ri theo hướng có lợi cho Mỹ.

Với bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, từng được tôi luyện trong hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, được chuẩn bị chu đáo mọi mặt từ nhiều năm trước đó, quân và dân Thủ đô Hà Nội thề quyết tâm “… thà hy sinh tất cả, chứ không chịu khuất phục… Không có gì quý hơn độc lập tự do”[3]. Và, chúng ta cũng không bị bất ngờ trước thủ đoạn xảo trá của giới cầm quyền Mỹ; bởi ngay từ tháng 9-1967, khi bộ đội tên lửa của Quân chủng PK-KQ đã bắn rơi B-52 Mỹ ở Vĩnh Linh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội”, vì “trước khi thua ở Triều Tiên, Mỹ đã hủy diệt ở Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội”[4]. Đây chính sự cảnh báo sớm cho quân và dân Thủ đô yêu dấu chủ động đón nhận thách thức “nảy lửa” này.

Đúng như lời Bác, từ đêm 18 đến 29-12-1972, Mỹ đã tổ chức mỗi đêm từ 2 đến 3 đợt đánh phá, với số lượng trung bình 54 - 60 lần/chiếc B.52. Lực lượng yểm trợ cho mỗi đợt thường là 1 tốp 4 máy bay tiêm kích F.4 đánh chặn máy bay và 1 tốp máy bay cường kích F.105 làm nhiệm vụ chế áp tên lửa của ta. Mỗi tốp B-52 có 1 tốp F-4 hộ tống trực tiếp từ khu vực tiếp cận mục tiêu. Ngoài ra, mỗi đêm chúng còn sử dụng từ 10 đến 25 lần/chiếc F.111 oanh tạc ở tầm thấp xen kẽ các các đợt đánh của B-52, nhằm nghi binh tạo bất ngờ cho B-52 vào tiếp cận mục tiêu đánh phá[5].

Tuy chúng có gây cho nhân dân ta những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, nhưng với tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", quân và dân Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương lân cận, với tất cả những vũ khí và phương tiện có trong tay, đã ngoan cường, thông minh, sáng tạo đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích của không quân Mỹ, bắn rơi 81 máy bay, gồm 34 máy bay B-52, 5 F-111 và 42 máy bay chiến thuật khác. Riêng quân và dân Thủ đô bắn rơi 25 chiếc B-52, làm nên một “Điện Biên Phủ trên bầu trời Hà Nội” vang động khắp năm châu, chấn động địa cầu. Cũng từ đây, làn sóng phản đối chiến tranh Việt Nam của nhân dân Mỹ bùng phát mạnh mẽ hơn bao giờ hết; làm cho “uy tín của Mỹ trên thế giới tụt xuống mức thấp nhất chưa từng có. Phản ứng trên khắp thế giới sẽ càng thêm gay gắt"[6]. Biết không thể đảo ngược được tình thế, sáng 30-12-1972, Ních-xơn tuyên bố ngừng ném bom hoàn toàn, vô điều kiện đối với miền Bắc, quay trở lại bàn đàm phán Pa-ri và ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam (27-1-1973).

Đến đây chúng ta đã hoàn toàn thực hiện được quyền tự quyết dân tộc của mình trên mọi phương diện - điểm "vượt trội" của Hiệp định Pa-ri so với Hiệp định Giơ-ne-vơ cách đó 21 năm tròn. Mặt khác, theo Hiệp định, toàn bộ quân chiến đấu Mỹ phải rút khỏi miền Nam, nhưng phải chấp nhận việc ở lại hợp pháp của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đến đây, quân và dân ta đã thực hiện được một bước lời huấn thị của Bác Hồ: "Đánh cho Mỹ cút", mở ra điều kiện thuận lợi cho việc chuẩn bị tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 - "Đánh cho ngụy nhào", giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

------------------

[1] BQP-VLSQSViệt Nam, Cuộc kháng chiến chóng Mỹ cứu nước 1954 - 1975, Những sự kiện quân sự, H.1988, tr.246.

[2] Theo kế hoạch, Hiệp định sẽ được chính thức ký ở Hà Nội ngày 22-10-1972 và ký ở Pa-ri ngày 30-10-1972.

[3] Trích Tuyên bố của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 26-10-1972.

[4] “Kính dâng Bác chiến công lịch sử này”, Tạp chí Lịch sử quân sự, số 24 (12-1987).

[5] Riêng với Thủ đô Hà Nội, trong cuộc tập kích 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, Mỹ đã huy động tới 444 lần/chiếc B-52, 1.004 máy bay chiến thuật và sử dụng gần 10.000 tấn bom đạn các loại...

[6] Báo Nhân dân, ngày 28-12-1972.

Theo QĐND Online