Quy định về phân công, phân cấp tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức

Cập nhật, 05:41, Thứ Tư, 05/12/2018 (GMT+7)

Bà Phan Thị Thoại Uyên, hiện đang công tác tại Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên tỉnh Vĩnh Long trực thuộc Tỉnh Đoàn tỉnh Vĩnh Long hỏi: Từ tháng 2/1997, tôi vào làm việc tại Tỉnh Đoàn Vĩnh Long, hưởng lương ngạch cán sự.

Tháng 8/2014, tôi là viên chức loại B, giữ chức vụ Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ tại Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên tỉnh Vĩnh Long và vẫn hưởng lương ở ngạch cán sự (thời điểm này tôi đang học ĐH). Tháng 3/2018, tôi nhận bằng tốt nghiệp ĐH chuyên ngành kinh tế - luật do Trường ĐH Trà Vinh cấp.

Theo khoản 1, 2 mục II Thông tư số 04/2007/TT-BNV ngày 21/6/2007 của Bộ Nội vụ về chuyển loại viên chức nếu viên chức loại B hoặc đang hưởng lương ở ngạch cán sự và đã có bằng ĐH, đạt đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định thì được xem xét chuyển loại.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, tôi vẫn chưa được xem xét chuyển loại từ viên chức loại B sang viên chức loại A. Vì vậy, xin hỏi hiện nay có văn bản nào khác ngoài Thông tư số 04/2007-BNV về hướng dẫn việc xét chuyển loại viên chức không?

Nếu đã đảm bảo đủ các tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định tại khoản 2, mục II của Thông tư số 04/2007/TT-BNV thì tại sao tôi không được xét chuyển loại viên chức.

Nếu hiện nay không được xét thì có văn bản nào hướng dẫn đăng ký thi chuyển loại viên chức không?

Nhằm bảo đảm quyền lợi cho viên chức đang công tác tại các cơ quan sự nghiệp, đặc biệt là chế độ hưởng lương khi đến tuổi nghỉ hưu, vì vậy tôi rất mong được giải quyết.

Sau khi nhận được thư thắc mắc của bà, chúng tôi đã liên hệ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Long và được trả lời như sau:

Theo Điều 30 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức quy định việc thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức từ hạng II lên hạng I được thực hiện như sau:

Các bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tổ chức thi hoặc xét theo kế hoạch được phê duyệt; Bộ Nội vụ phê duyệt đề án tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; thẩm định và quyết định danh sách viên chức đủ điều kiện dự thi hoặc xét; ra quyết định thành lập hội đồng; quyết định công nhận kết quả và bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp hạng I.

Việc thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II được thực hiện như sau: Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh- thành trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành;

Bộ Nội vụ phê duyệt đề án tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; thẩm định danh sách viên chức đủ điều kiện dự thi hoặc xét kết quả thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Việc thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức từ hạng IV lên hạng III do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh- thành trực thuộc Trung ương tổ chức hoặc phân cấp cho các cơ quan, đơn vị tổ chức theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành.

Cơ quan có thẩm quyền của Đảng quy định việc phân công, phân cấp tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức trong các đơn vị sự nghiệp thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội theo quy định của pháp luật.

Căn cứ quy định trên, đối với viên chức muốn được thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải thi thăng hạng, đối với trường hợp của bà khi nào tỉnh tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức, chúng tôi sẽ thông báo rộng rãi để bà biết.

Còn việc bà hỏi Thông tư số 04/2007/TT-BNV ngày 10/10/2007 của Bộ Nội vụ có còn hiệu lực thi hành không thì theo Điều 51 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP quy định nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2012.

Bãi bỏ Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong đơn vị sự nghiệp của Nhà nước và Nghị định 121/2006/NĐ-CP ngày 23/10/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116/2003/NĐ-CP.

Thông tư số 04/2007/TT-BNV ngày 21/6/2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ và Nghị định 121/2006/NĐ-CP ngày 23/10/2006 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116/2003/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.

Như vậy, Thông tư số 04/2007/TT-BNV ngày 10/10/2007 của Bộ Nội vụ cũng đã bãi bỏ.

PHÒNG BẠN ĐỌC