Không đồng ý với bản án phúc thẩm thì phải làm thế nào?

Cập nhật, 16:12, Thứ Sáu, 02/11/2018 (GMT+7)

Sau khi xét xử vụ án dân sự ở cấp phúc thẩm, trường hợp không đồng ý với kết luận của bản án phúc thẩm của tòa thì phải làm thế nào?

Lê Văn Dương

(TP Vĩnh Long)

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 17 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì bản án, quyết định sơ thẩm của tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của bộ luật này.

Bản án, quyết định sơ thẩm của tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm trong thời hạn do bộ luật này quy định thì có hiệu lực pháp luật. Bản án, quyết định sơ thẩm của tòa án bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật.

Bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới theo quy định của bộ luật này thì được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Như vậy, căn cứ quy định trên thì theo quy định về hai cấp xét xử, tòa án sẽ chỉ giải quyết vụ việc theo hai cấp đó là sơ thẩm và phúc thẩm (trong trường hợp bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị).

Đối với bản án, quyết định phúc thẩm sẽ không có quyền kháng cáo bởi đó là bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày được tuyên bố.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính pháp chế trong công tác xét xử của tòa án bảo đảm được quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự thì những bản án, quyết định có sai sót hoặc có tình tiết mới mặc dù có hiệu lực pháp luật vẫn phải được kháng nghị để xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

PHÒNG BẠN ĐỌC