Người dân tộc thiểu số có được trợ giúp pháp lý?

Cập nhật, 05:19, Thứ Ba, 07/08/2018 (GMT+7)

Tôi là nguyên đơn trong vụ tranh chấp đất đai. Tôi là người dân tộc, tôi nghe nói người dân tộc có thể đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhờ luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình, như vậy có đúng không?

Nguyễn Thị Loan (Tam Bình)

Trả lời: Theo quy định tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý thì người được trợ giúp pháp lý gồm: người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; trẻ em;

người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.

Người thuộc một trong các trường hợp sau có khó khăn về tài chính: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi;

người khuyết tật; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo hành gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; người nhiễm HIV.

Chính phủ quy định chi tiết điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý quy định tại khoản này phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội.

Căn cứ quy định trên, người dân tộc thiểu số thuộc trường hợp được trợ giúp pháp lý phải là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn.

PHÒNG BẠN ĐỌC