Vai trò của luật sư trong lĩnh vực tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng

Cập nhật, 05:16, Thứ Ba, 28/11/2017 (GMT+7)

Tôi có việc khiếu nại, cần luật sư tư vấn nhưng không hiểu vai trò của luật sư trong lĩnh vực tham gia tố tụng được quy định như thế nào?

Lê Văn Hồ (Tam Bình)

Trả lời: Trong lĩnh vực tham gia tố tụng: Luật sư tham gia trợ giúp pháp lý với tư cách là người bào chữa cho các bị can, bị cáo, người bị tạm giữ trong các vụ án hình sự hoặc là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự trong các vụ án dân sự, hành chính, lao động, ly hôn, người bị hại trong các vụ án hình sự...

Ngoài ra, luật sư cũng trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên; người có nhược điểm về thể chất tâm thần; người có khung hình phạt cao nhất là tử hình... theo sự phân công của Trung tâm Trợ giúp pháp lý, đoàn luật sư và tổ chức hành nghề luật sư trên cơ sở yêu cầu trợ giúp pháp lý của người thuộc diện trợ giúp pháp lý hoặc của cơ quan tiến hành tố tụng.

Khoản 1 Điều 29 Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) quy định về hoạt động đại diện ngoài tố tụng của luật sư như sau: Luật sư đại diện cho khách hàng để giải quyết các công việc có liên quan đến việc mà luật sư đã nhận theo phạm vi, nội dung được ghi trong hợp đồng dịch vụ pháp lý hoặc theo sự phân công của cơ quan, tổ chức nơi luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động.

Luật sư sẽ cùng người dân hoặc thay mặt người dân- những đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý để làm việc với các cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết các vụ việc liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Thông thường luật sư tham gia đại diện ngoài tố tụng thể hiện trong các lĩnh vực như hành chính, lao động, khiếu nại...

PHÒNG BẠN ĐỌC