Điều tra qua thư bạn đọc

"Vỡ hụi" ở Chi hội Phụ nữ ấp Giồng Gòn

Cập nhật, 05:35, Thứ Ba, 04/07/2017 (GMT+7)

Từ góp vốn xoay vòng chuyển sang hụi- bài học không dành riêng cho ai.

Ông Nguyễn Văn Đạn bên căn nhà cất dang dở.
Ông Nguyễn Văn Đạn bên căn nhà cất dang dở.

Góp vốn xoay vòng là một trong những sinh hoạt thu hút các chị em phụ nữ, có tính tương trợ giúp nhiều chị giảm được khó khăn, có vốn làm ăn.

Nhưng vừa qua, từ góp vốn xoay vòng- Chi hội Phụ nữ ấp Giồng Gòn (xã Thuận Thới- Trà Ôn) đã tự chuyển sang hình thức có lãi như hụi dẫn đến “vỡ hụi”, gây nhiều điều tiếng không hay trong dư luận.

Những ngày qua, nhiều hội viên phụ nữ đang sinh hoạt tại Chi hội Phụ nữ ấp Giồng Gòn bức xúc gửi đơn đến các cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ hành vi của bà Triệu Thị Huỳnh Hoa- Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Giồng Gòn- đã chiếm dụng tiền góp vốn của hội viên làm nhiều người lâm vào cảnh khó khăn.

“Năm 2015, bà Hoa chuyển các tổ góp vốn xoay vòng ở Giồng Gòn sang hình thức có lãi như hụi dẫn đến hội viên giành giật tranh nhau hốt gây mất đoàn kết nội bộ.

Đến đầu tháng 12/2016, nhiều hội viên phát hiện không được bà Hoa giao hụi hoặc hốt hụi xong bà Hoa hỏi mượn lại, với tổng số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng nên đã gửi đơn đến ấp, xã, huyện mong cơ quan chức năng vào cuộc giúp chị em lấy lại tiền nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”- một hội viên bức xúc trình bày.

Xác minh thông tin trên, ông Nguyễn Thành Xuân- Trưởng ấp Giồng Gòn- khẳng định: “Chúng tôi có nhận được đơn của 12 người tố cáo bà Hoa chiếm dụng tiền góp vốn xoay vòng dưới dạng hụi và tiền mượn tổng cộng hơn 400 triệu đồng.

Lúc đầu hòa giải, bà Hoa hứa sẽ trả lại tiền nhưng khi biết hội viên gửi đơn thưa, UBND xã mời làm việc bà Hoa không đến nên hồ sơ đã chuyển về huyện”.

Tìm hiểu thêm vụ việc, chúng tôi được biết xã Thuận Thới có hơn 30 tổ phụ nữ góp vốn xoay vòng và Giồng Gòn là một trong những ấp hoạt động có hiệu quả về phong trào này với các tổ hùn vốn theo mùa lúa, góp vốn theo tháng (từ 100.000- 200.000 đ/hội viên/tháng).

Do mỗi tổ có từ 10- 20 hội viên tham gia nên số tiền nhận được khoảng vài triệu đồng, giúp chị em có điều kiện chăn nuôi, sửa nhà hoặc giải quyết những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Tiếng (ở Tổ 7) kể: “Chị em muốn mua heo, gà nuôi nhiều khi không biết vay mượn ở đâu, có vay cũng phải đóng lãi nên số tiền góp vốn xoay vòng đã giải quyết nhu cầu về vốn cho nhiều hội viên.

Lúc tôi cất nhà cũng nhờ mấy triệu đồng hùn vốn mà mua được bộ cửa nhưng do thời gian xoay vòng kéo dài, người được hỗ trợ sau có khi phải đợi gần 2 năm nên tôi có đề nghị với chị Hoa- hội trưởng là tính lãi như chơi hụi. Ai có nhu cầu bỏ thăm hốt trước, không thì nuôi chót cũng có lời.

Chị Hoa đồng ý và nhiều chị em khác cũng đồng tình nên mấy năm nay, các tổ hùn vốn của phụ nữ ấp này chuyển sang hụi”.

Khi được hỏi chính quyền địa phương và phụ nữ xã có biết chuyện này, bà Mai Thị Trúc- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thuận Thới phân trần: “Trưởng ấp có báo cho tôi và lãnh đạo UBND xã cũng đã chỉ đạo hội phụ nữ kết hợp với ấp đến tuyên truyền cho chị em hiểu.

Ngay bữa khui hụi tại nhà chị Hoa, chúng tôi có đến ngăn chặn nhưng các hội viên bảo “tự chơi, tự chịu không liên quan đến tổ chức hội và chính quyền” rồi cùng ký tên vào biên bản. Tôi có khuyên chị em suy nghĩ kỹ nhưng mọi người vẫn chọn hình thức góp vốn có yếu tố lời lãi”.

Biết là sai nhưng chính quyền địa phương và hội phụ nữ ở cơ sở không giám sát và báo về trên để kịp thời chấn chỉnh nên hội phụ nữ huyện, tỉnh không hay biết gì về chuyện này.

Thậm chí trong các đợt kiểm tra quý, năm vừa qua, những dây hụi do bà Hoa làm đầu thảo đều được báo cáo với danh nghĩa tổ góp vốn xoay vòng.

Điều này gây ra sự hiểu nhầm trong hội viên là vẫn an toàn như khi góp vốn xoay vòng nên đã có hàng chục lượt hội viên tham gia. Từ đó, gián tiếp tạo điều kiện cho bà Hoa mở thêm nhiều dây hụi lớn như gồm: 500.000 đ/tháng, từ 1- 2 triệu đồng/quý…

“Cô Hoa là cán bộ phụ nữ ấp nên nói gì tụi tui cũng tin. Hụi của cô Hoa tính ra lời lắm. Dây 500.000 đ/tháng, lúc đầu kêu 100.000đ, sau 200.000đ.

Dây 1 triệu đồng kêu 400.000đ, ai hốt sau lời gần một nửa. Vợ chồng tui làm thuê, mấy đứa con làm hồ ở Sài Gòn gửi tiền về không dám ăn để dành chơi 3- 4 dây hụi, định hốt chót gom lại cất nhà nhưng hốt dây nào cô Hoa hỏi mượn dây đó, lúc thì nói làm hàng rào, khi thì bảo cần giải quyết công chuyện gấp.

Tui tin tưởng cho cô Hoa mượn hết, kể cả 6 triệu đồng tui mới vay ở Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đưa luôn, tổng cộng khoảng 65 triệu đồng. Lúc làm giấy tờ cho mượn tiền, tui có nói tới tui cất nhà phải trả.

Cô Hoa hẹn 10 bữa, nửa tháng trả đủ nhưng tới giờ có thấy đồng bạc nào đâu. Nhà tui cất nửa chừng không có tiền trả vật tư người ta không bán tiếp nên thợ phải tạm nghỉ chờ tui kiếm chỗ vay mượn”- ông Nguyễn Văn Đạn (ở Tổ 13) chia sẻ.

Vợ chồng ông Đạn là 1 trong số 12 bị hại cùng gửi đơn đến cơ quan điều tra yêu cầu xử lý hành vi của bà Hoa và mong sớm nhận lại số tiền bị chiếm dụng.

Hiện Công an huyện Trà Ôn đã tiếp nhận hồ sơ vụ việc và vừa triệu tập bà Hoa đến làm việc. Tại cơ quan điều tra, bà Hoa cam kết sẽ trả lại tiền cho các hụi viên nên sắp tới Công an huyện Trà Ôn sẽ mời các bị hại đến tiến hành đối chiếu xác định cụ thể số tiền bà Hoa chiếm dụng đồng thời cho đôi bên thỏa thuận phương án trả nợ.

Được biết, sau những ồn ào không hay ở Chi hội Phụ nữ ấp Giồng Gòn, UBND xã Thuận Thới đã có cuộc họp rút kinh nghiệm chung đến các đoàn thể trên địa bàn đồng thời chỉ đạo UBMTTQ xã giám sát chặt hoạt động góp vốn xoay vòng ở các tổ hội liên quan nhằm tránh xảy ra những chuyện đáng tiếc tương tự.

Tuy “mất bò mới lo làm chuồng” nhưng chậm còn hơn không. Thiết nghĩ, bài học này không dành riêng cho chi hội phụ nữ mà cần lưu ý ở nhiều đơn vị, địa phương khác để một phong trào mang nhiều ý nghĩa như góp vốn xoay vòng không bị ảnh hưởng.

Bài, ảnh: PHƯỢNG NGÂN