Nguyên tắc giải quyết các vụ án dân sự chưa có điều luật áp dụng

Cập nhật, 05:16, Thứ Ba, 06/06/2017 (GMT+7)

Theo quy định hiện nay thì tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Vậy tòa án sẽ dựa vào cơ sở nào để xem xét, giải quyết vụ án?

Nguyễn Minh Khang (Mang Thít)

Trả lời: Điều 45 Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) 2015 quy định về nguyên tắc giải quyết các vụ án dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng: Tòa án được áp dụng tập quán để giải quyết các vụ việc dân sự trong trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định.

Tuy nhiên, tập quán không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Bộ luật Dân sự.

Khi yêu cầu tòa án giải quyết vụ việc, đương sự có quyền viện dẫn tập quán để yêu cầu tòa án xem xét áp dụng. Tòa án có trách nhiệm xác định giá trị áp dụng của tập quán bảo đảm đúng quy định tại Điều 5 Bộ luật TTDS sự 2015.

Trường hợp các đương sự viện dẫn các tập quán khác nhau thì tập quán có giá trị áp dụng là tập quán được thừa nhận tại nơi phát sinh vụ việc dân sự.

Trong trường hợp không có tập quán thì tòa án có thể áp dụng “tương tự pháp luật”.

Tòa án áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết vụ việc dân sự khi không thể áp dụng tập quán, tương tự pháp luật.

Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là những nguyên tắc được quy định tại Điều 3 Bộ luật TTDS 2015.

Án lệ được tòa án nghiên cứu, áp dụng khi đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) tối cao lựa chọn và được Chánh án TAND tối cao công bố.

Lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó.

PHÒNG BẠN ĐỌC