Nỗi buồn ve sầu...

Cập nhật, 16:36, Thứ Sáu, 26/04/2024 (GMT+7)
Ấu trùng ve Mỹ ngoi lên khỏi mặt đất, bò lên thân cây, lột xác biến thành ve trưởng thành (ảnh chụp vào ngày 21/4/2024).
Ấu trùng ve Mỹ ngoi lên khỏi mặt đất, bò lên thân cây, lột xác biến thành ve trưởng thành (ảnh chụp vào ngày 21/4/2024).

Dưới cái nắng gay gắt của mùa khô, trong những tán của nhiều vườn cây ở các nơi trong tỉnh vẫn râm ran tiếng ve sầu, nhưng không phải tiếng ve sầu du dương như trước đây mà là tiếng “re re” của loài “ve Mỹ”. Chúng “trỗi nhạc” rất mạnh mẽ từ đầu tháng 4 này, báo hiệu cho mùa hè, mùa mưa sắp đến.

Lão nông Nguyễn Chánh ở ấp Tân An, xã Tân Hạnh (huyện Long Hồ) cho biết, loài ve này xuất hiện trên các vườn nhãn của ông vào năm 2013, không rõ nguồn gốc từ đâu. Thông thường, ve sầu địa phương có màu đen, thân mình nhỏ nhắn. Vì loài ve này có hình dáng giống như con ve sầu địa phương nên gọi là ve, con trưởng thành có thân hình to hơn và dài hơn nên gọi tên là “ve Mỹ” để phân biệt với loài ve sầu địa phương thường thấy trước đây.

Quan sát kỹ, ve này khi trưởng thành có thân hình màu vàng nhạt dài từ 2-2,5cm, cánh và bụng màu trắng, nhìn xa ve có màu trắng đục, tiệp với màu thân cây. Ve Mỹ thường tụ thành đàn trên những cây lâu năm như nhãn, bần, cây keo lá chàm, sầu riêng…, mà nhiều nhất là vườn nhãn. Chúng đeo trên thân, cành, lá cây, có tiếng kêu khác thường và kêu to hơn ve sầu địa phương, nghe “re re” như tiếng kêu của mô tơ điện bơm nước. Chúng thường “trỗi nhạc” lên vào lúc xế trưa, rồi kêu dài đến chiều tối, có hôm đến tận 7 giờ tối. Mỗi đợt kêu kéo dài khoảng nửa giờ thì ngưng.

Ông Nguyễn Kim Dũng ở ấp Tích Khánh, xã Tích Thiện (huyện Trà Ôn) cho hay, ve Mỹ xuất hiện ở cồn Tích Khánh khoảng hơn 10 năm nay. Hàng năm, chúng bắt đầu kêu từ sau Tết Nguyên đán khoảng 2 tháng và hết kêu khi mưa đều (tức từ tháng 4 đến hết tháng 6 dương lịch).

Theo các chuyên gia về côn trùng, mùa ve sầu kêu là mùa gặp gỡ, giao phối của ve trưởng thành. Những con ve đực tạo ra âm thanh ầm ĩ để thu hút bạn tình. Sau khi cặp ve sầu giao phối xong, con cái sẽ kiếm khe hở trong cành cây để đẻ trứng vào trong. Đến khi có mưa, những con nhộng mới nở sẽ chui vào lòng đất, đào hang sâu, sống ẩn mình trong lòng đất suốt mùa mưa, chúng hút nhựa rễ cây để trưởng thành.

Khi đến mùa khô, sau 1 năm sống ở môi trường lòng đất thiếu ánh sáng, cứ vào ban đêm, loài côn trùng này dùng chân trước đào hang to bằng ngón tay út ngoi lên khỏi mặt đất, bò lên thân cây, lần lần lột xác, thay đi lớp vỏ ấu trùng và khoác lên mình bộ cánh mới, biến đổi thành ve sầu trưởng thành để tung bay cất tiếng ca gọi hè… Rồi gặp gỡ bạn tình, lặp lại chu kỳ vòng đời sinh sản, sinh trưởng mới.

Ve sầu là loài có lợi cho hệ sinh thái bởi chúng không cắn, đốt người và không lây truyền bệnh tật. Ve trưởng thành còn cung cấp thức ăn cho người, động vật ăn thịt. Sau khi chúng chết, xác ve trở thành nguồn dưỡng chất tốt cho đất.

Theo một số người dân ở cồn Tích Khánh, từ khi xuất hiện đến nay, chưa thấy loài ve Mỹ gây hại gì, nhưng sự có mặt của chúng làm lấn át loài ve sầu địa phương. Trước đây, vào mùa hè, ở cồn nằm giữa sông Hậu này toàn là ve sầu địa phương, tiếng kêu của chúng nghe rất êm tai, nay thỉnh thoảng mới nghe ve này kêu, chúng bỏ đi đâu mất, còn lại ve Mỹ chiếm ưu thế!

Họ giải thích, loài ve sầu địa phương ngày càng vắng bóng, một phần vì giá trị kinh tế của loài ve này cao hơn ve Mỹ. Ấu trùng ve sầu địa phương dùng làm thực phẩm ăn ngon hơn ấu trùng ve Mỹ. Do đó, thời gian qua, nhiều người ở địa phương đổ xô đi bắt ấu trùng ve sầu đem bán hoặc ăn khi chúng bò lên thân cây lột xác. Bên cạnh, còn do loài ve này sinh nở ít hơn ve Mỹ nên số lượng ve trưởng thành ngày càng giảm dần. Tuy nhiên, người dân nơi đây vẫn thích tiếng ve sầu địa phương hơn.

Bài, ảnh: MỸ TRUNG

 

Các tin khác: