Đắng lòng trẻ bị bỏ rơi!

Cập nhật, 05:08, Thứ Sáu, 02/10/2020 (GMT+7)

Thỉnh thoảng khi đọc báo, xem đài, tôi lại thấy đưa tin về trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Có bé bị bỏ ở bệnh viện, trước cổng chùa, trung tâm công tác xã hội; có bé thì bị “vứt” trên hố ga, thùng rác hay “quẳng” đại ở bụi cỏ ven đường,… 

Sao lại có thể làm muôn vàn cách tàn nhẫn để chối bỏ con? Và, dường như ngày càng nhiều những trường hợp như thế!

Dù rất đau lòng nhưng thực tế cho thấy, số lượng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ngày càng tăng trong thời gian gần đây.

Có những trường hợp trẻ bị bỏ rơi được phát hiện kịp thời và cứu sống, nhưng cũng có trường hợp trẻ bị bỏ rơi không được phát hiện sớm dẫn đến tử vong, rất thương tâm khiến ai cũng phải xót xa trước số phận kém may mắn của những “mầm non” vô tội.

Chứng kiến mỗi một sự vụ trẻ bị bỏ rơi, thương trẻ bao nhiêu thì dư luận lại lên án kẻ đã tạo ra hình hài đó bấy nhiêu- nhất là người mẹ.

Đằng sau những tiếng chặc lưỡi, “kêu trời” thì người này cho rằng: Chắc là con của một bà mẹ trẻ mang thai ngoài ý muốn? Người kia lại bảo: Có thể nghèo quá không nuôi nổi nên bỏ con? Cũng có người nghĩ: Hay là biết đứa trẻ có bệnh tật gì đó nên mới bỏ đây? Có nhiều nguyên nhân được đồn đoán.

Nhưng dù là lý do gì đi chăng nữa thì hành vi bỏ con khi các bé đang rất cần tình thương, sự chăm sóc của cha mẹ là một hành động thiếu lương tâm và trách nhiệm rất đáng bị lên án và trừng phạt bởi pháp luật và tòa án lương tâm.

Trẻ em có quyền được sống và được yêu thương. Trong thư gửi các cháu thiếu niên, nhi đồng Việt Nam nhân dịp Tết Trung thu 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có viết: “… Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và luôn đặt niềm tin yêu sâu sắc vào các cháu- thế hệ tương lai của nước nhà…”.

Vâng, trẻ em là tương lai của nước nhà. Trẻ em là thế hệ “tiếp tục kế tục truyền thống hiếu học, thực hiện tốt Năm điều Bác Hồ dạy, nuôi dưỡng hoài bão, thắp sáng ước mơ, không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, đoàn kết giúp đỡ nhau trong học tập, làm nhiều việc tốt, trở thành con ngoan, trò giỏi, phát triển toàn diện để sau này tiếp nối cha anh xây dựng đất nước ta giàu đẹp, văn minh, “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”, như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn”.

Vì vậy, trẻ em phải được bảo vệ và không ai có quyền tước đi quyền được sống, được yêu thương, chăm sóc, giáo dục của trẻ em.

Xét về khía cạnh pháp luật, bỏ rơi con là hành vi vi phạm pháp luật. Xét về khía cạnh đạo đức thì đó là sự tha hóa, suy đồi, báo động cho một lối sống buông thả, vô trách nhiệm...

Vì vậy, rất cần sự vào cuộc sâu sát hơn nữa của các đoàn thể, ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về dân số, bảo vệ trẻ em; công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho thanh- thiếu niên, học sinh- sinh viên, công nhân tại các khu công nghiệp, lao động nghèo tự do; cung cấp kiến thức về sàng lọc trước sinh,… để tiến tới chấm dứt tình trạng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi.

Ngày nay, trong khi có rất nhiều người luôn khao khát được làm cha, làm mẹ thì ngược lại một số khác sinh con ra lại bỏ rơi. Đây là hệ lụy đau lòng cho xã hội khi vấn đề đạo đức, tình người không được xem trọng ở một bộ phận người dân. Rất đắng lòng trước mỗi sự vụ trẻ sơ sinh bị bỏ rơi!

TRƯỜNG AN