Câu chuyện mất đôi dép

Cập nhật, 19:34, Thứ Sáu, 03/07/2020 (GMT+7)
Một vài người cố tình xỏ nhầm đôi dép mới hơn ở những nơi công cộng thế này.
Một vài người cố tình xỏ nhầm đôi dép mới hơn ở những nơi công cộng thế này.

Vừa rồi tôi có đi viếng chùa cầu an. Khi đã cúng Phật xong, ra về thì… mất đôi dép mới mua. Mất gần nửa giờ tìm ở 4 cửa chùa, nhưng đôi dép không cánh mà bay. Chùa vãn cảnh thưa người, chỉ độ chừng 10 người, vậy mà...

Thấy tôi mất dép, một sư thầy đã cho tôi mượn tạm đôi dép lào để mang về. Đôi dép mới mua nên tôi cũng hơi tiếc, nhưng mà buồn hơn vì lòng người. Ở chốn tôn nghiêm, thanh tịnh mà họ vẫn có tính xấu.

Thật ra đây không phải là lần đầu tiên tôi mất dép. Năm rồi, đi viếng chùa ở tỉnh, cũng đã bị trường hợp tương tự. Mặc dù người thân đã căn dặn trước khi đi rằng chùa đông người, người tốt, kẻ xấu lẫn lộn.

Nhưng do chủ quan, tôi không bỏ dép vào bao ny lông mang theo nên mới bị mất. Cũng có lần vào nhà vệ sinh công cộng miễn phí (quy định phải cởi giày dép ra), khi đi xong thì mất toi đôi giày tây bóng loáng. Đành xin nhân viên tạp vụ chia lại đôi dép cắt mõm, nhưng cô ấy bảo: “Con cứ mang về đi, tiền bạc gì. Con mất đôi giày ở đây cũng áy náy”.

Một số người rất ngộ, họ không phải thiếu thốn vật chất, thậm chí giàu có thừa của ăn của để, nhưng do cái tính tham vặt nên cứ thấy tài sản của người khác đẹp, lạ thì nghĩ ngay đến việc chôm chỉa.

Có lẽ vì vậy mà nhiều nhà vệ sinh, khách sạn, nhà nghỉ đã buộc lòng phải cắt mõm đôi dép vì sợ khách “cầm nhầm”. Vài người bạn tôi cho rằng đây là chuyện nhỏ, có gì mà làm ầm ĩ lên, đôi dép có đáng bao nhiêu tiền, đắt lắm thì cũng chỉ vài trăm đến một triệu đồng. Mất thì mua đôi khác cho xong, như vậy bớt suy nghĩ những chuyện không hay về xã hội.

Theo tôi, không thể xem thường việc này, vì nó sẽ là tiền lệ tạo ra thói xấu, văn hóa xấu. Một khi mình đã tham lam, quen tay, không ngăn chặn thì lâu ngày mức độ ấy càng tăng lên. Đến một lúc nào đó nếu biến thành ăn trộm chuyên nghiệp, ăn cướp có tổ chức thì nguy to cho xã hội, cho đất nước.

Ở một số quốc gia, người ta có nhiều quầy bán hàng không nhân viên thu ngân, mà cần người mua hàng chủ động bỏ tiền vào hộp. Ấy là doanh nghiệp đặt niềm tin vào xã hội và cũng chính vì người dân nơi đó không tham vặt.

Vì vậy, để xã hội trung thực, đất nước văn minh, giàu đẹp thì rất cần loại bỏ tính tham ngay trong tư tưởng. Cần lên án mạnh mẽ thói xấu ấy để mức độ tiêu cực giảm dần và triệt tiêu hẳn.

Câu chuyện mất đôi dép dù nhỏ nhưng hệ lụy về lâu dài rất to nếu như những hành động xấu đó cứ diễn ra thường trực.

NGUYỄN THANH VŨ