Đừng để bảo hiểm xe máy chỉ là đối phó

Cập nhật, 05:17, Thứ Sáu, 22/05/2020 (GMT+7)

Chưa bao giờ bảo hiểm xe máy nóng như bây giờ vì từ 15/5/2020, cảnh sát giao thông được dừng xe dù không có dấu hiệu vi phạm ban đầu, vậy là nhiều người nhốn nháo xem bảo hiểm xe máy còn hạn hay không? Với nhiều người, bảo hiểm xe máy như một hình thức đối phó với cảnh sát giao thông cho đủ giấy tờ.

Thông tư 22/2016/TT-BTC quy định về mức trách nhiệm thiệt hại tài sản lên đến 50 triệu một vụ và mức trách nhiệm về người là 100 triệu đồng một người một vụ.

Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ của chủ xe. Quy định là vậy nhưng trên thực tế, quyền lợi của khách hàng mua bảo hiểm và trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo hiểm còn nhiều vấn đề đáng bàn.

Không ai muốn mình hay người thân rơi vào hoàn cảnh được lãnh tiền bảo hiểm xe máy, tuy nhiên khi chuyện không may xảy ra thì nhiều người ngán ngại khi có quá nhiều thủ tục, giấy tờ!

Các giấy tờ cần thiết để nhận bảo hiểm xe máy: tờ khai thông báo tai nạn (theo mẫu); bản sao giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận bảo hiểm, chứng minh nhân dân; tài liệu chứng minh thiệt hại về người tùy theo mức độ thiệt hại; tài liệu chứng minh thiệt hại về tài sản,… Chưa kể có quá nhiều nơi bán bảo hiểm xe máy, nhiều người mua cũng không biết công ty nằm ở đâu?

Thiết nghĩ, người mua bảo hiểm cần được giảm nhẹ giấy tờ và cần được biết những số liệu công khai về bồi thường thiệt hại để tạo lòng tin.

Việc mua bảo hiểm xe máy là cần thiết. Vài mươi nghìn đồng một năm là không nhiều nhưng không nên là hình thức, đừng để người mua bảo hiểm không tự nguyện, không hài lòng mà chỉ dùng để đối phó với việc kiểm tra.

VĨNH PHÚC