Góp ý tên đường Thống Chế Điều Bát

Cập nhật, 15:44, Thứ Năm, 12/12/2019 (GMT+7)

Tại huyện Trà Ôn (Vĩnh Long), nơi chạy ngang qua Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát có tên đường Thống Chế Điều Bát. Đối với người dân địa phương, có lẽ ai cũng biết về gốc tích tên đường này. Nhưng với khách lữ hành, cánh tài xế phương xa đi ngang qua nơi đây chắc ít người biết Thống Chế Điều Bát là gì?

Theo sách “Di tích lịch sử- văn hóa tỉnh Vĩnh Long”, Quốc sử triều Nguyễn “Đại Nam liệt truyện” (sơ tập, quyển 28), “Đại Nam nhất thống chí” (phần Vĩnh Long tỉnh, mục Nhân vật) thì Thống chế Điều bát chỉ là chức danh, không phải là tên riêng của một người. Đây là chức danh do chúa Nguyễn Ánh sắc phong cho danh tướng Nguyễn Văn Tồn. Chức danh đầy đủ là Thống chế Điều bát nhung vụ.

Nguyễn Văn Tồn (1763- 1820) là một danh tướng và nhà khai hoang đầu thời nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Ông nguyên gốc là người Khmer, có tên là Thạch Duồng hay Thạch Duông (sinh tại làng Nguyệt Lãng, xã Bình Phú, huyện Càng Long- Trà Vinh), dưới thời chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát. Thời trẻ, ông được sung vào hàng dịch đình nô (người giúp việc trong phủ chúa), hết lòng tận tụy trung thành nên được cho chuyển làm Cai đội, lập nhiều công lớn.

Chúa Nguyễn Ánh ban cho ông tứ danh là Nguyễn Văn Tồn. Ông là người có công lớn trong việc giúp Thoại Ngọc Hầu chỉ huy quân dân đào kinh Vĩnh Tế (Châu Đốc- An Giang) và giúp dân nhiều vùng trong tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh khai khẩn đất hoang, thành lập nhiều xóm làng.

Năm 1810, ông cùng Thoại Ngọc Hầu dẫn đại binh sang chiến đấu với quân Xiêm ở thành Longvek (Cao Mên). Thắng trận, ông được cử ở lại Nam Vang để giúp vua Cao Mên trị nước, an dân. Năm Gia Long thứ 10 (1811), ông được triệu về kinh để nhận ban thưởng và được thăng hàm Thống chế, tước Dung Ngọc hầu.

Năm 1813, ông trở về nước, lại cai quản vùng Trà Ôn, Cầu Kè, Trà Vinh, tiếp tục chiêu dân vùng Trà Ôn, Mang Thít khai khẩn đất hoang, thành lập xóm làng. Năm 1819, ông được triều đình bổ vào chức Điều bát nhung vụ, dẫn một đoàn dân binh Khmer khoảng 500 người, đến Châu Đốc để cùng với Thoại Ngọc Hầu, Tuyên Trung Hầu lo việc đào kinh Vĩnh Tế.

Do lao tâm, lao lực, mùng 4 tháng 1 năm Canh Thìn (tức 27/2/1820), ông bị bệnh mất tại Trà Ôn (Vĩnh Long). Tưởng thưởng công lao, năm 1928, vua Minh Mạng sắc phong ông là Trung đẳng thần, hàm ân Trung dũng Thiên trực, tước Dung Ngọc hầu. Vợ ông cũng được ban mỹ tự là Hiền thục Chi thần Thống chế Đại quan.

Tất nhiên việc đặt tên đường sẽ được cơ quan chức năng tham mưu trước khi ban hành quyết định nên thường cân nhắc, cẩn trọng. Tuy nhiên đối với tên đường Thống Chế Điều Bát, theo tôi hơi rối rắm, khó hiểu, dễ gây hiểu lầm là danh từ riêng (vì chức danh này là từ Hán- Việt). Thường thì từ trước tới nay, người ta hay đặt tên đường là danh từ riêng (của người, của cây). Riêng những tên đường là sự việc thì thường dễ nhớ, dễ biết và ngắn gọn như: Ba Đình, Ấp Bắc, Đồng Khởi,…

Riêng lấy chức danh thì rất hiếm, mà đã đặt thì phải đầy đủ (kèm theo tên người), ví dụ: Huyền Trân Công Chúa, Sư Vạn Hạnh, Sư Thiện Chiếu, Đốc Binh Kiều,… Theo thiển ý của tôi, nên điều chỉnh tên đường Thống Chế Điều Bát là đường Nguyễn Văn Tồn cho gần gũi, rõ gốc tích, đồng thời tri ân danh tướng này để con cháu đời sau hiểu rõ, không chỉ riêng ở Trà Ôn mà trên cả nước nữa.

NGUYỄN THANH VŨ