Hạn chế dùng chai- ly nhựa!

Cập nhật, 05:39, Thứ Tư, 18/09/2019 (GMT+7)

Tôi có anh bạn là giáo viên tiểu học. Hàng ngày anh đến trường đều mang theo bình giữ nhiệt để đựng nước uống. Khi thấy anh mang theo bình giữ nhiệt đi dạy, một số người bắt đầu tỏ ra kỳ thị với anh. Họ luôn suy diễn và cho rằng: anh là người keo kiệt, người có tính “kỹ lưỡng”…

Tuy nhiên, đối với anh cứ mặc cho ai nói gì thì nói, anh hoàn toàn không chút gì e ngại. Trái lại, anh vẫn quyết định mỗi ngày đều mang theo bình giữ nhiệt để uống. Bởi theo anh, làm như thế sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực, cụ thể như:

Thứ nhất, đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bản thân. Khi có bình giữ nhiệt, chúng ta sẽ tự làm những thức uống để mang đi theo ý thích của mình.

Những thức uống ấy do gia đình tự làm ở nhà, chúng ta kiểm soát được và biết rất rõ nguồn gốc của thức uống, đảm bảo tốt an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong khi đó, uống những thức uống bên ngoài nhằm phải nơi không đảm bảo an toàn vệ sinh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe là điều không tránh khỏi.

Thứ hai, sử dụng bình giữ nhiệt, hạn chế dùng ly, bình nhựa góp phần bảo vệ môi trường. Điều quan trọng, một bình giữ nhiệt sẽ được dùng rất nhiều lần và là vật dụng mà chúng ta có thể sử dụng lâu dài. Trong khi đó, những ly nhựa, chai nhựa thường được sử dụng chỉ 1-2 lần rồi vứt bỏ, gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường.

Tôi rất hoan nghênh và ủng hộ hành động của anh bạn tôi. Bởi nhìn từ thực tế cho thấy, hành động ấy có ý nghĩa rất thiết thực. Nó không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn cho cả xã hội. Đây là việc làm nhằm giảm tải lượng rác thải nhựa ra bên ngoài môi trường.

Thiết nghĩ, hành động ấy cần được nhân rộng trong cơ quan, đơn vị, đặc biệt là trong nhà trường; góp phần tuyên truyền, vận động mọi người dân chung tay ý thức bảo vệ môi trường. Đúng theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về chống rác thải nhựa tại buổi “Lễ ra quân toàn quốc chống rác thải nhựa” diễn ra tại Hà Nội vào ngày 9/6/2019 vừa qua.

NGUYỄN VĂN DÔ