Nỗi lo xe mất phanh, mất lái

Cập nhật, 05:30, Thứ Ba, 05/03/2019 (GMT+7)

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ ô tô mất phanh, mất lái gây tai nạn kinh hoàng mà nguyên nhân phần nhiều là do người lái xe có sử dụng rượu, bia, chất kích thích trước khi lái xe, khiến dư luận vô cùng lo lắng, bức xúc. 

Từ quán cà phê đến cơ quan, trường học thậm chí là bàn ăn nơi gia đình, gần như nơi đâu cũng tranh thủ bàn luận, thông tin về câu chuyện xe mất phanh, mất lái.

Đằng sau nỗi bất an là những chia sẻ “khôi hài”, “cười ra nước mắt” nhằm bảo vệ bản thân, gia đình trước những kiểu tai nạn như thế này cứ liên tiếp xảy ra.

Từ vụ xe container tông vào người chờ đèn đỏ ở Long An, mạng xã hội lan truyền nhanh chóng nhiều đoạn clip người tham gia giao thông xuống xe chạy lên lề đường đứng đợi hết đèn đỏ. Ngay khi những đoạn clip này được đăng tải, lập tức nhận được sự phản ứng gay gắt từ cộng đồng mạng.

Đằng sau những chỉ trích về việc thiếu suy nghĩ đáng lên án của người đưa clip vì đã lấy tang thương của người khác làm trò đùa cảnh báo, vô tình khắc sâu thêm nỗi đau của người nhà nạn nhân là nỗi bất an của người dân mỗi khi lái xe ra đường.

Chị Lê Thị Thùy Tr. (ngụ Phường 4- TP Vĩnh Long) thể hiện sự lo lắng: “Bây giờ mỗi lần lái xe lưu thông trên đường, tôi không khỏi nơm nớp lo sợ- nhất là khi dừng chờ đèn đỏ. Vụ container tông hàng loạt xe máy đang dừng chờ đèn đỏ ở Long An, vụ ô tô mất lái ở Bạc Liêu khiến ai cũng kinh hoàng.

Khi gần đến đèn đỏ, tôi thường quan sát kính chiếu hậu nếu phía sau có xe tải, ô tô thì tôi liền giảm tốc để xe lớn đi lên trước. Còn một số người thì cứ đậu sát lề- trên phần đường dành cho xe 2 bánh quẹo phải- cho… yên tâm, dù biết là không đúng luật đi đường.

Để chấm dứt những hành động, suy nghĩ đáng quan ngại này (cốt để bảo vệ tính mạng bản thân), thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm soát người điều khiển phương tiện giao thông nói chung và nhóm lái ô tô, xe tải, container, xe đầu kéo,… nói riêng; đặc biệt là quyết liệt, tăng cường ra quân kiểm soát, xử lý tình trạng sử dụng rượu, bia, ma túy khi lái xe để trấn an phần nào tâm lý của người tham gia giao thông.

Mặt khác, cơ quan chức năng cũng cần tăng mức xử lý những lái xe cố tình điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia, chất kích thích.

Nhiều ý kiến cho rằng, mức xử phạt đối với hành vi sử dụng rượu, bia, chất kích thích khi lái xe còn thấp và chưa có tính răn đe cao.

Do đó, việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính cũng như hình phạt bổ sung đối với hành vi sử dụng rượu, bia, chất kích thích khi lái xe là cần thiết nhằm tác động mạnh tới ý thức chấp hành của người tham gia giao thông, hạn chế tối đa tai nạn đáng tiếc xảy ra như các vụ tai nạn ở Long An, Hà Nội, Bạc Liêu trong thời gian vừa qua.

Bên cạnh đó là phải quản lý từ “gốc”- từ đào tạo lái xe, cấp giấy phép lái xe: đặc biệt là cách xử lý tình huống khi xe mất lái, mất phanh.

NHƯ Ý