Sự chân thật trong cuộc sống

Cập nhật, 08:27, Thứ Ba, 18/12/2018 (GMT+7)

Ở đời không có cái gì giả dối mà lại tốt đẹp cả. Người xưa đã nói “Chân- Thiện- Mỹ”, ba điều ấy liên quan khắng khít với nhau. Cái gì thật mới tốt, mới đẹp. Tình cảm giữa con người với con người cũng không nằm ngoài quy luật ấy.

Tôi có một người bạn chưa bao giờ đặt chân đến Đà Lạt nhưng khi nghe tôi kể về Đà Lạt thì anh ta tỏ ra là người am hiểu rất rõ về vùng đất này. Đến khi tôi hỏi: “Hồ Than thở ở đâu?” Anh ta thản nhiên nói: “Tôi lạ gì cái hồ Than Thở đó nữa, nó ở ngay TP Buôn Mê Thuột chứ ở đâu. Cậu làm như mình dốt lắm không bằng”.

Thật tình mà nói tôi chưa bao giờ nghĩ bạn mình là dốt cả, mà chỉ buồn vì bạn mình nói không đúng mà thôi. Cũng không trách bạn tôi được, vì sống ở trên đời này không ai có thể am hiểu tường tận hết tất cả mọi lĩnh vực. Ngay cả những người học cao, hiểu rộng có khi cũng chỉ chuyên sâu vào một lĩnh vực, làm sao biết hết được mọi thứ? Bởi vậy ít nhất nên thật thà với nhau là hơn.

Người xưa có câu: “Cái gì biết nói biết. Cái gì không biết, nói không biết. Ấy là biết đấy!” Chẳng hạn ngồi với bạn bè ở quán cà phê, nếu có ai hỏi: “Cậu thấy thể loại nhạc này hay không?” Nếu không hiểu về âm nhạc thì trả lời chân tình: “Nói thật với cậu, mình không rành về âm nhạc lắm, nên không biết nó thuộc thể loại nào”.

Một câu trả lời chân thật như thế cùng với nụ cười hồn nhiên sẽ tạo thiện cảm hơn là cứ nói bừa, thể loại nọ xọ thể loại kia để tỏ ra mình là người sành điệu, hiểu biết, nào ngờ lại lòi ra cái kém hiểu biết của mình.

Nói chung sự chân thật bao giờ cũng chiếm được cảm tình của người khác. Ðặc biệt trong lĩnh vực tình cảm. Gặp một người bạn, tình cảm của mình tới đâu nên bộc lộ đúng mức độ ấy. Không nên cường điệu thái quá, thể hiện một sự vồn vã giả tạo đến nỗi làm người ta khó hiểu.

Thật ra, những người giả dối thường là những người đánh giá thấp đối tượng giao tiếp với mình. Tưởng rằng người ta ngu ngơ chẳng biết gì nên mình có thể lòe bịp được họ. Họ biết đâu rằng con người thời nay, đa số khôn ngoan, có học, tiếp xúc nhiều với các phương tiện thông tin nên đâu có dễ dàng lòe bịp được nhau.

Những người chân thật khi giao tiếp với ai, từ ánh mắt, giọng nói, đến nụ cười, bao giờ cũng toát lên cái thật và vì thế nó mới đẹp, mới hồn nhiên. Chúng ta biết rằng cái duyên không chỉ là vẻ đẹp ngoại hình mà nó còn là vẻ đẹp tâm hồn.

Sự chân thật làm cho tâm hồn bạn thanh thản, trong sáng, nói năng sẽ mạch lạc, cử chỉ sẽ đàng hoàng. Ðó là vẻ đẹp mộc mạc, giản dị, dễ thương, khiến cho đối tượng giao tiếp an tâm, tin cậy và họ cũng muốn bộc bạch nỗi lòng mình, càng nói chuyện càng như bị cuốn hút. Ðó chính là báu vật của cuộc sống đấy!

HOÀNG BÍCH HÀ