Sai sót trong thủ tục hành chính- mệt nhoài chuyện khắc phục

Cập nhật, 14:32, Thứ Ba, 09/10/2018 (GMT+7)

Những năm gần đây việc sai sót trong thủ tục hành chính (TTHC) không còn hiếm nữa. Đôi khi vì sơ ý, chủ quan không kiểm tra lại khi làm giấy tờ mà chỉ một sai sót nhỏ (như tên Sĩ- Sỹ, Tiền- Tiều,...) cũng khiến chủ nhân phải khổ sở, nhọc nhằn dù là có công nghệ thông tin hỗ trợ. Xin nêu vài trường hợp như sau:

* Trong trường học nếu các giấy tờ như khai sinh, chứng minh nhân dân, học bạ mà họ tên, ngày tháng năm sinh không trùng khớp nhau và không được phát hiện để chỉnh sửa kịp thời thì học sinh, sinh viên có thể sẽ không được thi.

* Dư luận xôn xao khi vào 3/2018 trên báo NLĐO đăng bài “Xử lý nghiêm vụ “ép” đàn ông đi… chuyển giới” ở huyện Cái Nước (Cà Mau): Do không biết chữ, nhà lại nghèo nên hàng chục năm anh Lâm Văn Châu không biết các giấy tờ của mình bị ghi là Lâm Thị Mỹ Châu, giới tính nữ. Hộ khẩu, giấy khai sinh, CMND đều ghi tên Lâm Thị Mỹ Châu, giới tính nữ dù anh đàn ông 100%. Đến khi anh Châu đưa giấy CMND cho cháu vợ nhờ làm lại thì mới phát hiện. Anh Châu phải làm lại các giấy tờ và anh phải nhờ người biết chữ đi theo. Đầu tiên là đổi giới tính. Anh Châu và cháu vợ đến huyện rồi huyện chỉ đến tỉnh, rồi tỉnh chỉ về huyện, huyện lại chỉ lên TP Hồ Chí Minh và chi phí đổi giới tính lên tới 30 triệu đồng. Khi báo chí vào cuộc thì kiểm điểm trách nhiệm hàng loạt cá nhân, tổ chức có liên quan...

* Trường hợp ông Lê Văn Tiền (xã Tân Hạnh- Long Hồ) đi làm giấy sang tên quyền sử dụng đất cũng gặp không ít rắc rối vì sai tên. Trong giấy hẹn ghi Lê Văn Tiều (chứ không phải là Tiền). Do ông Tiền không kiểm tra đem về cất trong tủ. Ít lâu sau, ông bị tai nạn giao thông tử vong. Sau đó, vợ ông Tiền cầm phiếu hẹn đi lấy hồ sơ. Vì sai tên nên vợ ông Tiền phải đi tới lui cả chục lần mới làm xong hồ sơ. Bà phải đi từ xã đến huyện, từ huyện về xã... để bổ sung theo yêu cầu như: giấy ủy quyền của ông Tiền, giấy chứng minh nhân dân của ông Tiền và vợ ông, giấy xác nhận ông Tiền đã mất, sổ hộ khẩu,…

* Thời đại công nghệ thông tin, các giấy tờ thường được cài đặt sẵn mẫu để làm cho nhanh (chỉ điền vào chỗ trống). Ở một trường ĐH nọ, khi sinh viên đến đóng học phí, đọc mã số sinh viên thì người nhận tiền mở máy nhập mã số sinh viên, họ, tên... hiện lên rồi in hóa đơn và 2 bên ký tên. Một hôm, sinh viên Nguyễn Thị Kiều O. đóng học phí 7,5 triệu đồng nhưng hóa đơn ghi tên sinh viên Đỗ Thị Kiều P. Sự việc được phát hiện sau 1 tháng rưỡi, do tình cờ bạn của O. thấy hóa đơn đóng học phí tên Đỗ Thị Kiều P. thì ra người nhận học phí nhập lộn tên, bởi O. điện thoại hỏi P. đóng học phí chưa thì P. nói chưa đóng...

Thế đấy, đôi khi chỉ một sơ suất nhỏ nhưng cũng gây cho chủ nhân sự phiền toái, mất nhiều công sức và thời gian về sau. Thiết nghĩ đấy là những bài học cho mọi người.

MAI XUÂN