Đừng chủ quan không tiêm phòng khi bị chó cắn

Cập nhật, 05:23, Thứ Ba, 11/09/2018 (GMT+7)

Ở nước ta trong những năm gần đây, theo như tôi được biết thì có không ít người bị chó cắn, do chủ quan nên không đi tiêm phòng dại, để rồi tới khi phát bệnh đã không thể cứu chữa, dẫn tới tử vong!

Cách đây vài năm, có trường hợp bị tử vong do chó cắn xảy ra ở quê tôi. Người phụ nữ trung niên ấy bị chính con chó của nhà nuôi cắn.

Vết cắn chỉ làm trầy xước nhẹ, hơi rớm máu, với lại con chó đang trong thời kỳ nuôi con nhỏ, nên không chỉ người phụ nữ bị chó cắn ấy, mà các thành viên trong gia đình họ đều nghĩ con chó không có vấn đề gì, nghĩa là không bị bệnh dại, nên không chú ý đi tiêm phòng dại.

Sau đó mấy ngày, con chó mẹ đã cắn người phụ nữ ấy bị bọn trộm đánh bả chết, gia đình cũng vẫn không hề nghĩ nó bị bệnh dại.

Khoảng tháng sau, tính từ ngày bị con chó cắn, người phụ nữ mới phát bệnh dại với các dấu hiệu sợ gió, sợ nước; tiếp sau đó là lên các cơn co giật, nghiến răng, thở rít, trợn mắt,... Lúc đó, biết thì đã quá muộn, bởi người phụ nữ tử vong ngay sau 1 ngày nhập viện khi bị suy hô hấp!

Hay như trường hợp cô gái 24 tuổi, làm việc tại một phòng khám thú ý tại tỉnh Phú Thọ, cũng chỉ vì bị chó dại cắn, nhưng do chủ quan không tiêm phòng dại, nên phát bệnh và tử vong đáng tiếc vào tháng 6/2018.

Theo người nhà nạn nhân, trong lúc chữa bệnh cho một con chó ốm, cô bị nó cắn vào bàn tay phải. Cho rằng chó bị bệnh đường hô hấp, nữ bác sĩ chỉ sơ cứu cho mình, rửa vết thương, sát trùng và băng lại. 4 ngày sau, con chó chết. Cô vẫn chủ quan không tiêm vắc xin phòng dại cho mình.

Một trường hợp khác cũng ở Phú Thọ bị chó dại cắn tử vong mới đây nhất, xảy ra cuối tháng 7/2018. Trước đó khoảng 1 tháng, nam thanh niên 35 tuổi bị chó nhà cắn vào tay.

Tức giận, anh ta cầm gậy đánh chó, sau đó con chó bỏ đi mất nên không theo dõi được tình hình sức khỏe. Chủ quan, nam thanh niên không đi tiêm phòng bệnh dại, để rồi tới khi phát bệnh thì vô phương cứu chữa!

Được biết, bệnh dại là bệnh gây ra bởi vi rút dại lây truyền từ các loại động vật như chó, mèo... sang người chủ yếu qua vết cắn hoặc vết trầy xước trên cơ thể.

Thời gian ủ bệnh sau khi bị cắn thường vài tuần, có thể vài tháng thậm chí hàng năm tùy thuộc vào số lượng và mức độ tổn thương, vị trí của vết cắn có gần thần kinh trung ương hay không. Bệnh dại khi đã có triệu chứng (lên cơn dại) thì bệnh nhân chắc chắn tử vong, không thể cứu chữa.

Hiện bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc tiêm vắc xin phòng bệnh sau phơi nhiễm là bắt buộc nếu bị chó, mèo hay các động vật khác cắn.

Để tránh những cái chết thương tâm, với bất kỳ trường hợp nào khi bị chó, mèo cắn, cào dẫn tới trầy xước da thịt thì, ngoài việc theo dõi vật nuôi xem chúng ra sao (chúng có thể ốm, chết), thì việc phải đi tiêm phòng bệnh dại là điều bắt buộc để phòng ngừa hậu họa!

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:

- Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

- Không thả rông chó, mèo. Chó ra đường phải được đeo rọ mõm.

- Không đùa nghịch, trêu chọc chó mèo.

- Khi bị chó mèo cắn, cào, liếm, cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút. Nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó mèo cắn.

Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc povidone, iodine. Chú ý hạn chế làm giập vết thương và không được băng kín vết thương. Sau đó đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Tuyệt đối không dùng thuốc Nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

- Những người có nguy cơ cao mắc bệnh như cán bộ làm công tác thú y, kiểm lâm, chế biến thực phẩm, trẻ dưới 15 tuổi thường rong chơi và hay tiếp xúc gần gũi với chó mèo... nên tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

NGUYỄN THỊ LOAN