Hướng nghiệp cho con

Cập nhật, 05:20, Thứ Năm, 05/04/2018 (GMT+7)

Rất nhiều phụ huynh lo lắng khi con đã bước vào lớp 12 rồi mà vẫn chưa có định hướng cho tương lai, chọn ngành gì hay phù hợp với nghề nào. Đó là do cha mẹ đã không sớm hướng nghiệp cho con.

Con cái sinh ra và lớn lên cùng cha mẹ nên biết rất rõ tính tình và sở thích của con như thế nào. Sở thích là nền tảng khởi đầu cho sự hướng nghiệp.

Ngay từ lúc nhỏ, đứa trẻ nào cũng có một sở thích, thậm chí là ham mê đến suốt cả cuộc đời. Cha mẹ nên nắm bắt được sự thích thú đó và ra sức giúp con phát huy.

Năng khiếu đó chẳng những là nền tảng giúp trẻ có lối sống tích cực mà còn tạo tiền đề tạo nên thành công cho trẻ ở tương lai.

Khi trẻ thay đổi sở thích, chẳng hề hấn gì, bởi việc một đứa trẻ đang độ tuổi vị thành niên thay đổi tính nết, đam mê không có gì lạ.

Quan trọng là cha mẹ giúp con định hình lại bằng lời khuyên, sát cánh, củng cố. Cũng có thể sở thích thứ hai phù hợp hơn sở thích đầu tiên nên cha mẹ cần ủng hộ hơn là cứng nhắc bắt buộc.

Quá trình thay đổi có thể vấp phải những khó khăn để thích nghi nhưng nếu chịu khó chấp nhận thì cha mẹ và con cùng vượt qua một cách dễ dàng.

Trong khi giáo viên là ngôi nhà tri thức che chở, ấp ủ những ước mơ của học sinh thì phụ huynh phải là những cánh cửa hướng trẻ đến một ngành nghề phù hợp.

Để làm được như thế thì cần có sự liên kết chặt chẽ, thường xuyên giữa nhà trường và gia đình.

Ở trường, thầy cô là người biết rõ nhất năng lực của học sinh. Vì vậy, cha mẹ làm cầu nối để hiểu tâm tư, nguyện vọng của con mà ra sức giúp trẻ phát huy sở trường và bỏ qua sở đoản.

Hướng nghiệp không chỉ bằng lời nói mà còn bằng những hành động tích cực. Nên cho trẻ tiếp cận với sở thích bằng những chuyến đi, khảo sát thực tế.

Chẳng hạn trẻ đam mê làm cầu thủ thì nên cho trẻ thường xuyên tham gia những trận bóng đá ở trường, xóm hoặc đăng ký cho trẻ các khóa đào tạo kỹ năng làm cầu thủ.

Còn trẻ đam mê các ngành điện máy, cơ khí thì cha mẹ nên giúp con trui rèn bằng cách cùng con ngồi sửa chữa khi một chiếc xe gắn máy hư hay máy tính bị lỗi...

Sách hướng dẫn cũng rất cần thiết dù chỉ thiên về lý thuyết. Song song với sách giáo khoa thì sách hướng dẫn cũng vô cùng quan trọng giúp trẻ có những nền tảng sơ khởi.

Tuyệt đối không được ép con học những nghề theo ý của cha, mẹ, ông, bà. Bởi học như thế chỉ đem lại những kết quả không như ý muốn, đánh mất lý tưởng và mục đích, mang lại tác dụng ngược.

Đồng ý rằng không phải ai ra trường cũng có những việc làm như ý muốn mà vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan mà làm trái nghề, nhưng không phải vì thế mà chúng ta bỏ ra nền tảng ban đầu giúp con có lý tưởng sống.

Cần kéo con ra khỏi “tâm lý đám đông” và “tâm lý thần tượng”, tức học vì người khác chứ không phải học cho mình. Rất nhiều trường hợp học sinh 12 chọn ngành vì người yêu, vì bạn bè chung nhóm (tức hứa với nhau sẽ vào ĐH cùng trường).

Để rồi sau đó, nhiều bạn phải bỏ dở ngành đó, quay lại từ đầu vì học không nổi rồi chán nản hay không phù hợp.

Không nên la rầy khi con cãi cha mẹ đăng ký ngành theo chúng bạn mà nên nhẹ nhàng khuyên nhủ, giải thích, kèm theo những dẫn chứng cụ thể khi chọn sai ngành. Mỗi ngày một ít để con trẻ nhận ra chân lý trước khi bước vào ĐH một cách thong dong.

ĐẶNG TRUNG THÀNH