Cà phê "lõi pin" và lòng tin "rơi chạm đáy"

Cập nhật, 15:13, Thứ Năm, 19/04/2018 (GMT+7)

Mới vài ngày qua, thông tin về một cơ sở ở Đắk Nông chuyên chế biến cà phê có pha trộn lõi pin, hóa chất để “làm đẹp” cà phê đã khiến cho nhiều người tiêu dùng hoang mang.

Sáng ngồi với mấy người bạn, dường như không ai mở miệng nói với nhau nhưng không ai trong số gần 10 người trong bàn gọi ly cà phê để uống như hàng ngày. Bởi khi đó, trong lòng ai nấy đều ái ngại về “cà phê lõi pin” bị phát hiện và phanh phui.

Cơ sở sản xuất trên hoạt động đã nhiều năm, nhưng chỉ tính riêng từ đầu năm 2018 đến nay, cơ sở đã cho ra thị trường hơn… 3 tấn cà phê như vậy. Ai cũng biết, thói quen dùng cà phê vào mỗi sáng là một hình ảnh rất đỗi quen thuộc của người Việt Nam.

Nó đã trở thành một nét văn hóa và chúng ta có hẳn những thương hiệu “cà phê quốc gia”. Như “sét đánh ngang tai”, một số lượng không nhỏ cà phê kém chất lượng, thậm chí là độc hại đang từng ngày, từng giờ, từng buổi sáng được chính những cơ sở đó “thì thầm hương dịu” rót vào cơ thể của nhiều người. Ác đến thế là cùng.

Có nhiều cách để có thể phân biệt cà phê, có người bảo cà phê thật thì màu không bao giờ “đen đậm đến thế, chỉ hơi đen và ngả màu đỏ nâu”, cũng có người chọn phương án là chỉ mua và sử dụng cà phê còn nguyên hạt và xay tại chỗ…

Nhưng đó chỉ là cách của người tiêu dùng, còn đối với người bán, “sẽ có muôn vàn phương pháp để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng”. Như câu nói bao đời của dân mua bán- “chỉ có người mua lầm chứ người bán không bao giờ lầm”.

Trở lại câu chuyện về cà phê lõi pin, nếu sự việc bị phát hiện ở một góc nhỏ nào đó của một đô thị sầm uất như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội thì có lẽ, lòng tin trong người tiêu dùng vẫn còn, vì đó có thể là một trường hợp nhỏ, thiếu ý thức.

Nhưng ở đây, sự việc được phát kiện ở Đắk Nông- một trong những tỉnh ở vùng Tây Nguyên, nơi mệnh danh là thủ phủ cà phê của nước ta, cũng là một địa danh cà phê trên bản đồ cà phê thế giới.

Vậy đó, sẽ có nhiều người mê cà phê, tôn trọng nét văn hóa của người Việt Nam bao đời phải thốt lên “cà phê lõi pin, lòng tin đã rơi chạm đáy”.

Nhưng cà phê của nước ta vẫn sẽ là một thương hiệu, nét văn hóa cũng sẽ mãi còn trong cuộc sống hàng ngày, chỉ mong, đây là trường hợp cuối cùng và công tác quản lý cần chặt chẽ, biện pháp chế tài mạnh hơn nữa- để níu kéo và bồi dưỡng lòng tin…

NGUYỄN DUY