Tâm càng sạch, thành công càng lớn

Cập nhật, 15:32, Thứ Ba, 19/09/2017 (GMT+7)

Đó là cách “ông hoàng” thanh long Việt Nam Ưng Thế Lãm chia sẻ trong buổi nói chuyện: giải pháp đổi mới sáng tạo trong ngành nông nghiệp.

Chương trình do Sở Khoa học- Công nghệ TP Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh tổ chức.

Theo ông Ưng Thế Lãm, đổi mới trong phương pháp chính là đổi mới cách ứng xử trong giao tiếp giữa con người với nhau. Công nghệ sẽ vô nghĩa nếu con người lười biếng, không tập trung vào cải tạo quy trình sản xuất hoặc có những “mánh khóe” trục lợi cá nhân. Đó là những nguyên nhân ảnh hưởng làm ra một số sản phẩm hữu cơ.

Nếu dùng cái tâm sạch để làm ra sản phẩm tốt vì khách hàng của mình thì chắc chắn sẽ được nhiều người ủng hộ.

Từ quy trình chọn giống đến nỗ lực tìm kiếm những phương pháp để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm của thế giới, nông dân sẽ có uy tín, bán được những “sản phẩm mình dám ăn”, chứ không phải vì đồng tiền mà bán những sản phẩm mà chính mình không dám ăn.

Còn theo ông Nguyễn Hải An- Giám đốc Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh:

“Đứng trước sự cấp thiết của việc ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đô thị hóa nhanh chóng mặt, già hóa dân số, thiếu nhân lực trong nông nghiệp... thì giải pháp cải tiến quy trình sản xuất trong nông nghiệp trở nên rất quan trọng”.

Trên các diễn đàn, chúng ta đang bàn nhiều về Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN) đó là một thách thức trong tất cả các ngành- đặc biệt là ngành nông nghiệp.

Và, “4 nhà” (Nhà nước- nhà khoa học- nhà sản xuất- nhà nông) phải có sự phối hợp với nhau chặt chẽ trong quy trình phát triển. Mỗi một mắt xích đóng một vai trò rất quan trọng vì hoạt động đổi mới là liên tục.

Nhưng chúng ta đang đứng ở đâu trong CMCN 4.0, khi một số ngành cơ khí hóa, đường sắt, cầu cống, bến cảng,... vẫn đang nằm ở CMCN… 1.0?

Còn CMCN 2.0 là chuyện nói về tự sản xuất dây chuyền hàng loạt, máy công cụ, vốn là sản phẩm bổ trợ trong ngành công nghiệp; mà hầu như những dây chuyền này đều nhập ngoại.

Ngành CMCN 3.0 lại là bước lùi mà nước ta chưa làm được, khi nói về quy trình tự động hóa sản xuất.

Tuy nhiên, một số ngành như công nghệ thông tin, viễn thông đã bắt được CMCN 3.0 có thể tiến lên ngành CMCN 4.0 trong tương lai, một số sản phẩm trí tuệ đã bước đầu đạt được những thành công trong nước. Vì vậy, ngành nông nghiệp cần áp dụng triệt để những giải pháp công nghiệp hiện đại.

Giải pháp đổi mới sáng tạo cho ngành nông nghiệp sáng tạo là sự nỗ lực tìm đến những giải pháp giải quyết nhu cầu xuất phát từ con người, tôn trọng các đặc trưng vùng miền; áp dụng hợp lý tính đa dạng hóa sản phẩm và tạo một môi trường có cơ chế linh hoạt, phát triển đào tạo từ nhà trường đến nhà nông.

Việc cập nhật thông tin cho nhà nông là việc rất cần thiết. Trong tương lai, thực phẩm sạch chắc chắn sẽ đến tay người tiêu dùng vì có giải pháp từ con người, từ cái tâm sạch.

HỒNG HIỆP