Lời bàn quanh miếng thịt sạch

Cập nhật, 09:12, Thứ Năm, 25/05/2017 (GMT+7)

Các loại thịt từ lâu đã là thức ăn chính trong bữa ăn của mọi gia đình. Thịt heo, thịt gà, thịt vịt, thịt bò là những loại thực phẩm vô cùng phổ biến, được bày bán từ chợ lớn đến sạp hàng trong ngõ hẻm.

Người tiêu dùng thường mua thịt ở những nơi tiện lợi hay quầy hàng quen mà mình tin tưởng, còn chất lượng thịt thì chỉ căn cứ vào kinh nghiệm bằng mắt thường của bản thân để chọn.

Tuy nhiên, những vụ thịt bẩn được cơ quan chức năng phanh phui ngày càng nhiều khiến người tiêu dùng ngày càng hoang mang với câu hỏi: Thời buổi này, không biết ăn gì đây?

Để đối phó với tình trạng thực phẩm bẩn ngày càng tràn lan trên thị trường thì ngành chức năng đã thực hiện giải pháp: Truy xuất nguồn gốc thực phẩm sạch bằng điện thoại thông minh.

Cụ thể trước hết là ở thịt heo, người tiêu dùng chỉ cần vô siêu thị, cửa hàng cung cấp thịt sạch chọn miếng thịt, rút điện thoại ra, bấm cái cạch là biết ngay nguồn gốc thịt ở đâu ra, heo nuôi ở trang trại nào, nơi nào mổ, phân phối ra sao...

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm sạch là bước đầu trong tiến trình đẩy lùi thực phẩm bẩn rất đáng được hoan nghênh. Chỉ cần chiếc điện thoại là thoải mái truy xuất nguồn gốc, không cần nơm nớp e ngại thịt bẩn, an tâm lo cho bữa ăn của gia đình! Nhưng liệu đây đã là giải pháp hoàn thiện cho hàng chục triệu cư dân đang tìm thực phẩm sạch?

Mặc dù trước câu hỏi có muốn sử dụng thịt sạch, thông tin minh bạch hay không ai cũng đều trả lời là có nhưng phần lớn người tiêu dùng không mấy quan tâm đến con tem truy xuất nguồn gốc thực phẩm sạch.

Khi được đặt vấn đề tại sao không truy xuất nguồn gốc thịt heo thì một người đang chọn mua thịt ở siêu thị trả lời: Mua vì tin tưởng thương hiệu và cam kết của doanh nghiệp, chứ truy xuất liệu có giải quyết được vấn đề hay không. 

Theo người này, nếu doanh nghiệp bắt tay với người nuôi, cán bộ ngó lơ thì thịt heo bẩn cũng có thể thành heo sạch nên thật ra con tem kiểm nghiệm cũng không nói lên được điều gì.

Người ta ra chợ mua rau trôi nổi về đóng gói, dán mác, đưa vào siêu thị nói là rau sạch thì cũng đành bó tay. Quan trọng là cái tâm của người bán hàng và nơi nào cảm thấy an tâm hơn thì mua thôi!

Thực phẩm ở siêu thị mà người tiêu dùng còn băn khoăn thì huống chi là thực phẩm được phân phối nhỏ lẻ tại chợ. Con tem được tiểu thương mua về có thể mang dán lên những thực phẩm trôi nổi, chưa qua kiểm dịch.

Khi đó, dù có soi tem ra thịt sạch nhưng thực chất người tiêu dùng vẫn phải ăn thịt “bẩn”. Vấn đề ở đây là ngay từ đầu người tiêu dùng chưa có niềm tin vào con tem truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Giải pháp nào thì sơ khai cũng tồn tại nhiều lỗ hổng. Thịt sạch vẫn rất khó tìm vì thế nỗi lo của người tiêu dùng vẫn còn đó. Cần lắm những bước đi tiếp theo của tiến trình đẩy lùi thực phẩm bẩn và trên hết người tiêu dùng vẫn đang trông chờ vào cái tâm của cán bộ, doanh nghiệp, thương lái và người bán hàng.

DIỄM KIỀU