Ý thức khi đi lễ hội

Cập nhật, 14:09, Thứ Ba, 14/02/2017 (GMT+7)

Sau Tết Nguyên đán, trên khắp mọi miền của đất nước tưng bừng bước vào mùa lễ hội, tùy mỗi địa phương mà lễ hội có quy mô lớn hay nhỏ. Các lễ hội được tổ chức nhằm tạo nên một không khí đón chào những ngày xuân mới, hướng về cội nguồn tổ tiên hay đánh dấu một bước chuyển mình về lao động sản xuất cho mùa vụ trong năm.

Những năm qua, tình trạng lễ hội mang đậm màu sắc mê tín dị đoan, bạo lực; các trò chơi dân gian lại biến tướng thành các trò cờ bạc đỏ đen; công tác tổ chức lễ hội mang xu hướng kinh doanh; vệ sinh môi trường, an toàn giao thông chưa đảm bảo,… đã được các địa phương dần dần khắc phục.

Việc quản lý lễ hội ngày càng từng bước đi vào nề nếp khi có sự ra tay đồng bộ của các cấp từ trung ương đến địa phương nhằm xây dựng những lễ hội mang đậm tính truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc và dần xóa bỏ những hủ tục, những hình ảnh không còn phù hợp trong đời sống hiện nay.

Điều đáng quan tâm nhất hiện nay trong hoạt động lễ hội chính là ý thức của người tham gia chưa được tốt.

Tình trạng phổ biến nhất mà người đi lễ hội nhận thấy chính là việc chen lấn, xô đẩy, sờ mó, thả tiền lễ vương vãi khắp nơi là tình trạng chung của rất nhiều người dân, du khách thiếu ý thức khi đến hành lễ, xin lộc năm mới tại các di tích đền chùa. Trong đó, không ít người đã xâm hại thô bạo đến di tích…

Việc người dân xô đẩy, đánh nhau để cướp phẩm vật được cho là lộc trong các lễ hội luôn diễn ra, dường như việc nhường nhịn giữa mọi người với nhau trong lễ hội không bao giờ có mà mạnh ai tranh thủ chen chân xô lấn để đến được nơi thờ tự, cướp được những gì được cho là may mắn, lộc trời,…

Một thực trạng vốn tồn tại nhiều năm nay tại các lễ hội vẫn tái diễn là tình trạng đặt lễ tùy tiện khắp mọi nơi mặc dù BTC đã bố trí các điểm đặt, tuy nhiên, người dân và du khách đa phần đều đặt tiền lẻ, mâm ngũ quả hay bất cứ chỗ nào có thể khiến tiền rơi vương vãi, tứ tung. Còn việc người đi lễ hội vô tư sờ mó, xoa nắn linh vật, tượng thờ, có khi còn “vịn cổ bá vai” chụp ảnh.

Đặc biệt với các bạn trẻ, việc đi lễ hội còn thể hiện sự thiếu ý thức của bản thân khi ăn mặc lố lăng, không nghiêm túc, thậm chí giữa chốn linh thiêng, nhiều đôi trai gái rất ngang nhiên ôm ấp nhau.

Nhiều cặp đôi kiếm cớ đi lễ hội rồi kéo nhau ra ngoài vườn cây để tình tứ, làm nhiều việc “chướng tai gai mắt” rất tự nhiên như ở chốn không người,… Tình trạng xả rác không đúng nơi quy định tạo ra khung cảnh hết sức nhếch nhác sau khi lễ hội vừa kết thúc.

Do đó, để có được một môi trường lễ hội lành mạnh, ngoài việc các ngành chức năng không ngừng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nhằm loại bỏ những hành vi, hủ tục lạc hậu, phát lộc cho người đi lễ cũng như khắc phục giải quyết tình trạng ô nhiễm vệ sinh môi trường,… thì việc nâng cao ý thức cho người đi dự lễ hội là một việc hết sức cần thiết.

Mỗi người dân khi đến với lễ hội không phải vì cầu tài, cầu lộc mà để tìm hiểu, tôn vinh các truyền thống văn hóa tốt đẹp, khơi dậy lòng yêu quê hương đất nước, tinh thần tự hào dân tộc, hướng về cội nguồn của mỗi người dân Việt Nam.

VĂN THY HOÀNG