Thuốc cá trên sông là tận diệt nguồn thủy sản

Cập nhật, 05:57, Thứ Sáu, 24/02/2017 (GMT+7)

Dù đã bị nghiêm cấm, thậm chí có mức xử lý nặng để răn đe hành vi tận diệt nguồn thủy sản bằng cách xiệc điện, thuốc cá bằng thuốc bảo vệ thực vật, song hành vi này vẫn lén lút tiếp diễn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Trước nhà ngoại tôi có con sông nhỏ, những lúc nước cạn là lòng sông trơ đáy, chỉ còn một dòng nước nhỏ. Đợi lúc nước cạn, một nam thanh niên đổ thuốc (gọi là dùng để thuốc cá nhưng thực chất là thuốc bảo vệ thực vật) ở đầu nguồn con sông, rồi đợi chừng 10- 15 phút sau cá bắt đầu thấm thuốc là người này cùng một số người khác xuống sông chỉ việc... vớt cá.

Những con cá này sau khi thấm thuốc nổi lên, cá nhỏ thì chết trắng bụng nổi lềnh bềnh, còn cá lớn hơn một chút thì oằn oại, lạng lạng trên mặt nước.

Một số người lớn lẫn trẻ em thấy cá nổi lên, dù cá nhỏ, cá lớn thì cũng ùa xuống “bắt hôi”. Người siêng thì lùng sục trong những gốc cây, bập dừa, ụm cỏ, còn người lười hơn thì đắp đất chặn dòng nước lại, lấy rổ để ở giữa rồi chỉ việc lấy cá bỏ vào thau, xô.

Cách đánh bắt thủy sản cực kỳ nguy hiểm này nếu kéo dài thì không chỉ tận diệt nguồn thủy sản mà còn đe dọa trực tiếp sức khỏe con người. Nếu thuốc trừ sâu có tính độc cao sẽ ngấm vào tôm, cá và người dân khi ăn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng. Không chỉ vậy, thuốc ngấm vào nguồn nước còn gây hại cho môi trường xung quanh.

Việc dùng thuốc bảo vệ thực vật để đánh bắt tôm, cá trên sông đang trở thành một vấn nạn nguy hiểm. Mong rằng chính quyền địa phương và các ngành chức năng tăng cường kiểm tra để ngăn chặn, xử lý nghiêm để bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản và sức khỏe cho người dân.

THẢO NGUYÊN