Đạo làm người

Cập nhật, 06:34, Thứ Năm, 05/01/2017 (GMT+7)

Người xưa có câu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Quả thực ý nghĩa của nó có thể áp dụng qua mọi thời đại.

Đất nước ta từ xưa đến nay do ảnh hưởng của nền văn hóa Khổng giáo nên khi đánh giá về một con người, thường lấy tiêu chí của Nho giáo để làm chuẩn.

Ngày nay các chuẩn mực Nho giáo được xem nhẹ hơn so với trước đây. Khi nói đến Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, “Nhân” luôn được đặt lên vị trí hàng đầu, là lòng yêu thương đối với mọi người và muôn loài vật. Được coi là quy định bản tính con người thông qua “Lễ”. “Lễ” chính là sự tôn trọng, hòa nhã với mọi người trong cách ứng xử hàng ngày.

Lễ còn phụ thuộc vào tập quán và phong tục của từng vùng, miền. Các quan hệ xã hội và gia đình cũng đòi hỏi phép tắc, lễ nghĩa theo từng lúc, từng chỗ, từng nơi và từng hoàn cảnh.

“Nghĩa” được xét qua cách cư xử với mọi người theo công bằng, lẽ phải, cách sống. Một người được coi là sống có tình nghĩa, khi mà họ biết cách đối nhân, xử thế; biết cảm ơn và biết ơn người đã giúp đỡ mình; biết tôn trọng tình nghĩa gia đình, tình bạn, tình đồng nghiệp và mọi người xung quanh. Thời nay, người sống có tình nghĩa rất nhiều song chữ “Nghĩa” nhiều khi bị mai một bởi hư danh và vật chất. Ngoài ra, các chuẩn mực để đánh giá một con người còn xét cả về “Trí” và “Tín”.

Chữ “Trí’’ được thể hiện qua sự hiểu biết lý lẽ, phân biệt thiện ác, chính tà và kiến thức nói chung. Một người khôn ngoan, thông minh, nhanh nhẹn được xem là đạt chữ “Trí”, song bên cạnh đó cũng phải hội tụ được cả Lễ, Nghĩa và Tín nữa, thì lúc đó “Trí” mới mang giá trị cao.

“Tín” được xác định qua cách thể hiện là một người giữ đúng lời nói hay không, có phải là một người đáng tin cậy hay không. Một người giữ được chữ “Tín” thường chiếm được sự tin tưởng của người khác. Đó thường là những người sống có trách nhiệm với xã hội, gia đình và bản thân. Do vậy, họ rất được người thân, bạn bè và đồng nghiệp tôn trọng.

Ngày nay, những chuẩn mực của người xưa, xem ra có phần bị mai một do nhiều yếu tố, điều kiện hoàn cảnh mà chủ yếu là cơ chế thị trường đã chi phối chữ “Tín” đối với một số người. Họ xem đồng tiền là trên hết mà quên đi danh dự lương tâm và phẩm giá của chính bản thân mình.

Điều đó không những họ làm hại người khác mà còn làm hủy hoại đến bản thân gia đình và con cái họ. Nhưng cũng có người họ thà đói khát, bần hàn nhưng không bao giờ để mất chữ tín đối với mọi người, những con người ấy mới thực sự để cho ta kính trọng. Thế mới biết, để đánh giá phẩm hạnh của một con người không phải một sớm một chiều là có thể đánh giá được mà cần phải có thời gian.

HOÀNG BÍCH HÀ