Thắm thiết tình quân- dân

Cập nhật, 05:07, Thứ Năm, 01/12/2016 (GMT+7)

Vừa qua, công chúng thích thú với clip bà con nông dân ở xã Lương An Trà (huyện Tri Tôn- An Giang) tiếp tế thực phẩm cho bộ đội khi hành quân qua đây. 

Đơn vị nhận tiếp tế của bà con hôm đó là những chiến sĩ Tiểu đoàn 4, thuộc Trung đoàn 10, Sư đoàn 4 bộ binh, Quân khu 9, đóng quân ở xã Bình Sơn (huyện Hòn Đất- Kiên Giang). Người quay clip ấy đưa lên Facebook là Lê Thành Luân, ở xã Lương An Trà.

Ông bà xưa từng nói “của cho không bằng cách cho”. Rất đúng. Bởi, những gì bà con tiếp tế dù chỉ là mẩu bánh mì, nước uống nhưng nó thực sự nhân văn, đáng quý là ở tấm lòng vàng của người dân đối với bộ đội- tình cảm giữa quân và dân.

Điều ấy không chỉ thể hiện qua việc tiếp tế mà qua cách người dân hồ hởi chuẩn bị thức ăn, nước uống và cách nói giàu tình yêu thương đậm chất nhà quê: “Cứ lấy thoải mái, cái này là của lòng dân”, “Hông có mấy chú cũng cực lắm bộ”,...

Từ xưa đến nay, tình cảm của quân- dân luôn thắm thiết, không bao giờ phai nhạt. Dù cho thời chiến hay thời bình, thì hình ảnh đó vẫn mãi trường tồn.

Bởi quân đội ngoài việc chính bảo vệ biên cương, Tổ quốc thì còn giúp bà con xây dựng xóm làng. Cứ hễ có thiên tai bão lũ là ngay lập tức bộ đội xuất hiện để giúp dân sửa chữa nhà cửa, trường học, cầu đường, an ủi dân vượt qua gian khó...

Nhiều lần nhìn cảnh bộ đội giúp dân gặt lúa chạy lũ, cõng học sinh qua sông, tôi thầm thán phục biết bao! Chắc rằng không riêng gì tôi, mà tất cả người dân đang sống trên đất nước hình chữ S đều tự hào vì điều đó.

Bởi những giọt mồ hôi của các chiến sĩ nhễ nhại trên trán, thấm mặn trên lưng áo đã nói lên cái tình, cái nghĩa đối với bà con là như thế nào.

Trong thời chiến, tình quân- dân càng mãnh liệt hơn bao giờ hết. Bởi chỉ có đoàn kết, chung tay góp sức mới đánh đuổi quân thù xâm lược ra khỏi biên cương đất nước.

Tôi nhớ hồi tôi còn để chỏm, mỗi khi bộ đội về làng là người dân mừng như nhặt được vàng. Không vui sao được khi các chiến sĩ luôn ngày đêm làm nhiệm vụ canh giữ biển- đất- trời Tổ quốc, đâu có thời gian mà thăm làng thăm xóm liên miên.

Lâu lắm mới có dịp hành quân ngang qua, nán lại một ngày cho vơi nỗi nhớ. Ngày đó kinh tế còn khó khăn, nhà nào cũng thiếu trước hụt sau.

Nhưng không vì thế mà chẳng có gì thếch đãi bộ đội. Chỉ một con gà trống thiến thôi hay đơn giản là nồi cơm nếp thơm lừng, ấm nước chè đặc sản, những rau, củ, quả tự tay dân trồng… cũng đủ làm nên bữa sinh hoạt ấm cúng. Nụ cười trên gương mặt các chiến sĩ càng làm cho người dân quên đi nỗi sợ hãi chiến tranh, tiếp tục làm hậu phương vững chắc, mong đất nước sớm ngày hòa bình.

Và điều đó đã trở thành hiện thực đi vào lịch sử ngày 30/4/1975. Hình ảnh cao đẹp ấy được nhà thơ Hoàng Trung Thông viết thành bài thơ “Bộ đội về làng” (nhan đề khác là “Bao giờ trở lại?”) rất chân thật, xúc động và được đưa vào giảng dạy ở nhà trường mà mọi học sinh đều thuộc nằm lòng.

Mượt mà và da diết hơn nữa, khiến dễ đi vào lòng người khi nhạc sĩ Lê Yên đã phổ bài thơ “Bộ đội về làng” thành bài hát cùng tên.

Trải qua những thăng trầm của đất nước, dù có sự chi phối, chống phá của thế lực thù địch, nhưng tình quân- dân vẫn một lòng gắn bó, đánh tan mọi âm mưu phá hoại ngay từ trong trứng nước.

Tất nhiên, đoạn clip tiếp tế cho bộ đội ở xã Lương An Trà không phải là hình ảnh hiếm trong thời bình. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên hình ảnh tình quân- dân chưa được phổ biến rộng khắp đến mọi người.

Vì vậy, các cơ quan truyền thông đại chúng cần đưa tin nhiều hơn nữa về vấn đề này. Bởi ngoài việc gián tiếp cảm ơn các chiến sĩ “vì nước quên thân vì nhân dân phục vụ” còn là cách khơi gợi, nâng cao tình đoàn kết giữa quân và dân, giúp thế hệ trẻ hiểu sâu hơn về giá trị thiêng liêng này!

ĐẶNG TRUNG THÀNH