Vài suy nghĩ về việc đặt và đổi tên đường phố ở thị trấn Vũng Liêm

Cập nhật, 05:35, Thứ Năm, 17/05/2018 (GMT+7)

Trong 2 ngày 3 và 4/5/2018, các ngành chức năng Vũng Liêm và UBND thị trấn Vũng Liêm tổ chức lấy ý kiến của người dân về việc đặt và đổi tên một số con đường nội ô thị trấn. Theo thông tin của các ngành chức năng, lần này thị trấn Vũng Liêm dự kiến sẽ đặt tên 7 công trình đường.

Theo nguồn thông tin này, các đường được đặt tên đó là:

1. đường từ cống Tư Nên đến cầu Trung Hiệp B (thuộc đoạn Đường tỉnh 907), dài 1.080m;

2. đường Rạch Trúc từ QL 53 đến giáp Đường tỉnh 907, dài 1.480m;

3. đường từ giáp ranh xã Trung Thành đến Đường tỉnh 907 (phía sau UBND huyện) dài 1.400m;

4. đường giáp ranh thị trấn Vũng Liêm và xã Trung Thành (bên hông UBND huyện) dài 230m;

5. đường từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến giáp đường Phong Thới, dài 265m;

6. đường từ Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến đường Rạch Trúc, dài 870m;

7. đường thị trấn- Trung Hiệp- đoạn từ giáp đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến cầu Trung Hiệp B (con đường Trung Hiệp cũ) dài 1.000m.

Những con đường trên đây đã được dự kiến đặt tên như sau: (thứ tự theo bài viết) 1. Lê Quang Phòng; 2. Cách Mạng Tháng Tám; 3. 2 Tháng 9; 4. Lê Văn Đậm (Sáu Mực); 5. Lê Cẩn; 6. Nguyễn Giao và 7. 30 Tháng 4.

Sau khi được tiếp nhận thông tin về việc đặt và đổi tên đường trên ở thị trấn Vũng Liêm; người viết có vài suy nghĩ xin được nêu lên để tham khảo.

1/ Về con đường số 1 (Lê Quang Phòng). Người viết biết đồng chí Lê Quang Phòng có nhiều thành tích cách mạng và từng là Bí thư Huyện ủy Vũng Liêm, nhưng dù thế nào đi nữa cũng chỉ là của cá nhân so với cống hiến chung, trong khi con đường dài 1.080m lại đi qua nội ô thị trấn.

Vì vậy, theo tôi đoạn đường này nên chia làm 2 - đoạn 1 (từ cầu Tư Nên đến giáp đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa dài khoảng 500m) đặt tên là đường Điện Biên Phủ; đoạn từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến cầu Trung Hiệp B dài khoảng 500m đặt là đường 30 Tháng 4.

Với việc đặt tên 2 đường Điện Biên Phủ và 30 Tháng 4 ở vị trí trên, rõ ràng chúng ta cùng 1 lúc nêu lên thắng lợi vẻ vang của 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ để qua đó giáo dục truyền thống yêu nước của cha ông cho thế hệ sau này.

2/ Việc tách Lê Cẩn- Nguyễn Giao để đặt thành 2 tên cho 2 con đường theo tôi thì không hay. Bởi khi nói về thành tích của 2 người này, sử sách để lại cũng chưa cho thấy sự rõ ràng của từng người.

Như vậy, chẳng lẽ khi viết bia để công nhận công lao của 2 người ở 2 con đường thì lại giống hệt nhau.

Theo tôi, không nhất thiết phải có con đường mang tên Lê Cẩn, Nguyễn Giao vì mình đã có tạc bia đồng đặt nơi trang trọng và nếu cần thì đặt tên 2 người ở 1 con đường.

3/ Về Đường 30 Tháng 4 (đường số 7) theo tôi thì không nên thế. Ai cũng biết ngày 30 tháng 4 là ngày giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Sự kiện ấy có ý nghĩa to lớn biết bao nhiêu lại đặt tên cho con đường dù sau này có mở rộng lên 18m nhưng ở vị trí đó nó cũng là đường trong kẹt mà thôi. Vì thế theo tôi nên chọn cho con đường này cái tên khác.

4/ Còn 2 con đường số 2 (Rạch Trúc) và đường số 3 (Phong Thới) thì tôi rất đồng tình với tên đường Cách Mạng Tháng Tám và 2 Tháng 9.

Nhân đây, tôi đề nghị xin được đặt tên cầu Vũng Liêm (cầu Chợ) là cầu Nguyễn Văn Chương- ông Chương là nhà giáo, là Chủ tịch Ủy ban Hành chánh kháng chiến huyện Vũng Liêm (người kế tiếp đồng chí Lê Thái Hợi- Chủ tịch Ủy ban Hành chánh kháng chiến huyện Vũng Liêm đi điều trị bệnh dài hạn).

Ông Chương bị địch bắt đánh đập dã man nhiều ngày nhưng không khai báo cơ sở cách mạng. Cuối cùng tay sai Pháp ở Vũng Liêm đưa ông đến cầu Giồng Kè (cầu Vũng Liêm hiện này) xử bắn và xô xác xuống sông này.

TRỌNG LAI