Diễn đàn

Thèm... mặc áo phao

Cập nhật, 05:38, Thứ Ba, 04/07/2017 (GMT+7)

Phà hiện vẫn là phương tiện qua sông khá phổ biến ở một số nơi của miền Tây sông nước. Vào giờ cao điểm, lượng khách qua sông thường đông đúc.

Áo phao, dụng cụ cứu sinh thường được chỉ để trong “ụ” hoặc treo lơ lửng chớ không phát ra cho hành khách.
Áo phao, dụng cụ cứu sinh thường được chỉ để trong “ụ” hoặc treo lơ lửng chớ không phát ra cho hành khách.

Để đảm bảo an toàn tính mạng con người, thời gian qua, việc sử dụng áo phao, dụng cụ cứu sinh đối với phương tiện chuyên chở hành khách qua sông đã được quy định rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều chủ phương tiện, người lái… vẫn làm lơ- không chấp hành quy định này.

Theo đó, áo phao thường để trong “ụ” hoặc được treo từng chùm ở một góc nào đó trên phà. Trong khi nhiều hành khách qua sông nơm nớp lo sợ, nhất là khi vào mùa mưa bão.

Chị Nguyễn Thị Minh Anh (Bình Tân) cho biết: “Tôi đi làm, sang sông hàng ngày bằng phà. Rất muốn được mặc áo phao để yên tâm hơn nhưng chủ phà không phát áo, làm sao mà mặc?”

Lo nhất là vào giờ cao điểm, người và xe cộ đông đúc, chật chội. Nếu không may xảy ra sự cố- trong tích tắc, không biết làm sao kịp phát áo phao cho từng người.

Chưa kể còn phải tốn thời gian mặc áo, số lượng áo phao chưa chắc đủ cho tất cả hành khách... Chị Lư Tú Anh thì bảo: “Thấy áo phao treo, mắc thèm… nhưng không được mặc”.

Thiết nghĩ, người lái phương tiện, thuyền viên… cần tuân thủ quy định phát, hướng dẫn cách sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cho hành khách. Bên cạnh, hành khách cần nghiêm túc mặc áo phao để góp phần đảm bảo an toàn tính mạng khi vượt sông.

NAM ANH