Về việc thăng hạng viên chức ngành giáo dục

Cập nhật, 15:07, Thứ Tư, 22/06/2016 (GMT+7)

Bạn Kiều Thanh Cơ, giáo viên Trường Tiểu học Tân An Thạnh A (xã Tân An Thạnh- Bình Tân) hỏi:

Năm 2009, tôi học ĐH từ xa (ĐH Huế, chi nhánh Đồng Tháp, ngành sư phạm tiểu học, đến năm 2012 tốt nghiệp và lấy bằng cử nhân tiểu học). Ngoài ra, tôi còn có chứng chỉ Anh văn A, B; Tin học A.

Nhưng đến nay tôi vẫn chưa được chuyển sang lương bậc ĐH, mà vẫn hưởng mức lương trung học và được xếp hạng mã vạch giáo viên loại IV. Mức lương hiện tại của tôi trên bậc 12 và vượt khung 9%. Xin hỏi khi nào tôi mới được chuyển xếp lương sang bậc lương ĐH?

Sau khi nhận được thư bạn, chúng tôi đã liên hệ với Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Long và được trả lời như sau:

Điều 6 Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/9/2015 của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học công lập, quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng IV- mã số V.07.03.09 như sau:

Về nhiệm vụ

Giảng dạy, giáo dục học sinh theo chương trình giáo dục, kế hoạch dạy cấp tiểu học; tham gia phát hiện, bồi dưỡng học sinh năng khiếu, phụ đạo học sinh yếu kém cấp tiểu học; vận dụng các sáng kiến kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng vào thực tế giảng dạy, giáo dục và làm đồ dùng, thiết bị dạy học cấp tiểu học;

thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới tổ chức lớp học, tổ chức hoạt động dạy học và đánh giá kết quả học tập theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực, hình thành năng lực và phương pháp tự học của học sinh;

hoàn thành các chương trình bồi dưỡng; tự học, tự bồi dưỡng trau dồi đạo đức, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ; tham gia các hoạt động chuyên môn; tham gia phổ cập tiểu học, xóa mù chữ;

phối hợp với Đội TNTP Hồ Chí Minh, gia đình học sinh và các tổ chức, đoàn thể liên quan để tổ chức, hướng dẫn các hoạt động giáo dục, tham gia tư vấn tâm lý học sinh tiểu học;

tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo và các hội thi cho học sinh tiểu học; chấp hành sự phân công, kiểm tra, đánh giá của các cấp quản lý giáo dục; thực hiện các nhiệm vụ khác do hiệu trưởng phân công.

Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

Có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm tiểu học hoặc trung cấp sư phạm các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy trở lên;

có trình độ ngoại ngữ bậc 1 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/1/2014 của Bộ GD-ĐT ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm sử dụng tiếng dân tộc;

đối với giáo viên ngoại ngữ thứ hai phải đạt bậc 1 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT; có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin- Truyền thông quy định chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

Nắm được chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy định và yêu cầu của ngành, địa phương về giáo dục tiểu học; thực hiện được kế hoạch, chương trình giáo dục tiểu học;

vận dụng được kiến thức về giáo dục học và tâm lý lứa tuổi vào thực tiễn giáo dục học sinh tiểu học; biết phối hợp với đồng nghiệp, cha mẹ học sinh và cộng đồng để nâng cao hiệu quả giáo dục cho học sinh tiểu học;

vận dụng được phương pháp đổi mới dạy học, đổi mới tổ chức lớp học, tổ chức hoạt động dạy học ở trường tiểu học; biết viết sáng kiến kinh nghiệm hoặc nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng; biết áp dụng các sáng kiến kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng vào thực tế giảng dạy, giáo dục học sinh tiểu học.

Ngoài ra, theo quy định tại điểm g, khoản 3 Điều 5 thông tư này thì viên chức thăng hạng từ chức danh giáo viên tiểu học hạng IV lên chức danh giáo viên tiểu học hạng III phải có thời gian giữ chức danh giáo viên tiểu học hạng IV hoặc tương đương từ đủ 3 năm trở lên, trong đó thời gian giữ chức danh giáo viên tiểu học hạng IV từ đủ 1 năm và tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trước khi thi hoặc xét thăng hạng từ đủ 1 năm trở lên.

Căn cứ các quy định trên, nếu đủ điều kiện trên và đã được bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp theo quy định tại Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT- BNV thì bạn sẽ được đưa vào danh sách thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Vì ngày 24/5/2016, Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Long có Công văn số 449/SNV-CCVC đề nghị Sở GD-ĐT, UBND các huyện- thị- thành sau khi tổ chức thực hiện bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức ngành giáo dục theo hướng dẫn của các thông tư, các đơn vị tiếp tục lập danh sách xác định số lượng viên chức đáp ứng tiêu chuẩn thăng hạng tại các cấp học gửi về Sở Nội vụ trước ngày 15/7/2016 để Sở Nội vụ lập kế hoạch tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp trình UBND tỉnh đề nghị Bộ Nội vụ phê duyệt theo quy định.

PHÒNG BẠN ĐỌC